Mâu thuẫn xuyên Ðại Tây Dương

Tổng thống Mỹ Ð.Trăm mới đây tuyên bố sẽ giảm số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú tại Ðức xuống còn 25.000 người. Kế hoạch này của Mỹ ngay lập tức đã bị Thủ tướng Ðức A.Méc-ken và Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng động thái của Oa-sinh-tơn có nguy cơ làm suy yếu khối liên minh quân sự NATO. Thủ tướng Ðức A.Méc-ken thậm chí cảnh báo, cần phải xem xét lại mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương.

Bất chấp những lo ngại của Ðức và NATO, Lầu năm góc ngày 27-6 thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng M.E-xpơ sẽ đệ trình lên Tổng thống Ð.Trăm các phương án cắt giảm quân đồn trú của Mỹ tại Ðức. Theo thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng M.E-xpơ đã gặp Tổng thống Ð.Trăm ngày 24-6 vừa qua để thảo luận về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu. Tiếp theo, ông E-xpơ sẽ báo cáo với Tổng thống Ð.Trăm về các phương án cắt giảm quân tại Ðức vào đầu tuần này.

Hai quan chức giấu tên tại Lầu năm góc cho biết, Mỹ sẽ cắt giảm 9.500 binh sĩ đồn trú tại Ðức, đưa quân số của Mỹ tại đây xuống mức 25.000 quân như tuyên bố của Tổng thống Ð.Trăm. Một số binh sĩ sẽ trở về Mỹ, trong khi một số khác sẽ được điều chuyển sang các nước Ðông Âu. Hai quan chức này không tiết lộ cụ thể quốc gia nào, song tại cuộc gặp với người đồng cấp Ba Lan A.Ðu-đa tại Nhà trắng hôm 24-6, Tổng thống Ð.Trăm đã đề cập khả năng chuyển quân từ Ðức sang Ba Lan. Ðộng thái này được cho là sẽ vi phạm thỏa thuận giữa NATO với Nga năm 1997. Theo đó, NATO cam kết không thiết lập các căn cứ quân sự thường trực tại các nước phía đông của liên minh quân sự này.

Ðề cập lý do dẫn đến việc ra quyết định cắt giảm số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú tại Ðức, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm cho biết, là vì mức đóng góp thấp của Ðức đối với NATO và mâu thuẫn thương mại giữa hai nước. Ông cũng chỉ trích Béc-lin về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga tới Ðức và việc Ðức chi quá ít cho quốc phòng (1,38% GDP năm 2019), không đáp ứng mục tiêu 2% GDP của NATO.

Trước động thái nêu trên của Mỹ, Thủ tướng Ðức A.Méc-ken tuyên bố, cần phải xem xét lại mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương trong tương lai, nếu Mỹ từ bỏ vai trò là một cường quốc thế giới. Trả lời phỏng vấn truyền thông Ðức và châu Âu, Thủ tướng Méc-ken nhấn mạnh, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ðức là để bảo vệ Ðức cũng như các nước châu Âu trong NATO và cả chính lợi ích của Mỹ. Bà cũng khẳng định, Béc-lin ý thức được việc cần phải tăng chi tiêu quốc phòng hơn nữa, và Ðức cũng đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây cũng như thời gian tới. Phản ứng trước kế hoạch của Mỹ cắt giảm số binh sĩ đồn trú tại Ðức, Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc nhấn mạnh rằng sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Ðức không đơn thuần là vấn đề song phương giữa hai nước này, mà sự hiện diện này còn quan trọng đối với toàn bộ khối NATO. Ông Xtôn-ten-bớc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Ðức nhằm bảo đảm an ninh không chỉ cho châu Âu mà cả Mỹ và điều này giúp cả hai bờ Ðại Tây Dương trở nên an toàn hơn.

Ðể trấn an Ðức và các đồng minh châu Âu, trong cuộc họp trực tuyến ngày 17-6 vừa qua với Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.E-xpơ đã để ngỏ khả năng sẽ tham khảo ý kiến các nước đồng minh về các bước tiếp theo trong kế hoạch cắt giảm lực lượng Mỹ đang đồn trú tại Ðức. Ông M.E-xpơ cho biết, đề xuất của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm về việc cắt giảm 9.500 binh sĩ đồn trú tại Ðức vẫn chưa phải quyết định cuối cùng. Tổng Thư ký NATO hoan nghênh việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã cùng lúc làm sáng tỏ cam kết của Mỹ về việc bảo vệ châu Âu, cũng như việc Oa-sinh-tơn tham vấn các đồng minh về những bước đi trong tương lai.

Mặc dù Oa-sinh-tơn trấn an sẽ tham vấn các đồng minh châu Âu về việc thực hiện kế hoạch cắt giảm số lượng binh sĩ Mỹ đóng tại Ðức, tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng kế hoạch này của Mỹ khó có thể thay đổi. Giới phân tích đánh giá, việc Mỹ cắt giảm số lượng binh sĩ đồn trú tại Ðức làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của ông Ð.Trăm đối với các thỏa thuận hợp tác lâu nay với các đồng minh châu Âu. Ðộng thái của Mỹ không chỉ có nguy cơ làm xói mòn khối liên minh quân sự NATO, mà còn làm gia tăng mâu thuẫn xuyên Ðại Tây Dương.