Lực bất tòng tâm

Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Bộ trưởng Ngoại giao G.Ke-ri vừa cùng lên tiếng khẳng định Oa-sinh-tơn có thể bảo đảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu để thay thế nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên, chính báo giới Mỹ đã chỉ trích rằng, các nhà lãnh đạo xứ cờ hoa "đã nói dối một cách không xấu hổ" về khả năng cung cấp khí đốt cho châu Âu, bởi trên thực tế, Mỹ cũng "lực bất tòng tâm" trong vấn đề này.

Trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brúc-xen (Bỉ) mới đây, ông Ô-ba-ma đã nói rằng, châu Âu cần nhập khí đốt từ Mỹ để thay thế khí đốt của Nga. Bộ trưởng Ngoại giao G.Ke-ri cũng tuyên bố tương tự. Tuy nhiên, nhiều trang mạng phương Tây đánh giá những tuyên bố của Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Ngoại giao nước này về việc nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ bảo đảm nguồn cung khí đốt cho đồng minh EU là hão huyền, không có cơ sở.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, đề xuất nêu trên của các nhà lãnh đạo Mỹ chả khác nào "nói cho vui", bởi thực chất việc xuất khẩu khí đốt từ Mỹ sang châu Âu khó chẳng khác nào "lấy sao trên trời". Trước hết, Mỹ không có đủ khí đốt để cung cấp cho châu Âu. Cuộc "cách mạng khí đá phiến" của Mỹ vốn được quảng bá rùm beng thời gian qua, trên thực tế đã thất bại. Hiện một số công ty dầu khí như Shell, BP đã loại bỏ phương án khai thác năng lượng kém hiệu quả, lợi nhuận thấp và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng này. Shell vừa thông báo giảm đáng kể việc sản xuất khí đá phiến và bán lại quyền khai thác hàng trăm héc-ta mỏ chính tại nhiều bang miền tây nước Mỹ để tránh thua lỗ.

Bên cạnh đó, ngay cả khi Mỹ có đủ khí đốt xuất khẩu, việc vận chuyển sang EU cũng là bài toán nan giải. Bởi việc xây dựng những cảng khí đốt hóa lỏng (LNG) có khả năng tiếp nhận những tàu chuyên chở khổng lồ xuyên Ðại Tây Dương là rất tốn kém. Hiện ở Mỹ chỉ có duy nhất một cảng LNG đang được xây dựng bên bờ biển Lui-di-a-na phục vụ phần lớn việc cung cấp khí đốt hóa lỏng đã được ký với Hàn Quốc, Ấn Ðộ và một số nước châu Á. Các đạo luật của Mỹ về khai thác năng lượng có những quy định chặt chẽ đã cản trở việc mở rộng xây dựng các cảng LNG. Trong khi đó tại châu Âu, ngay cả Ðức, nền kinh tế đầu tàu khu vực cũng không có các hải cảng để tiếp nhận LNG. Ðể cung cấp khí đốt từ Mỹ sang EU còn đòi hỏi có những con tàu chuyên chở khổng lồ, trong khi đó theo các chuyên gia, cần ít nhất bảy năm nữa mới có thể làm được điều này.

Một lý do quan trọng nữa khiến Mỹ rất khó biến LNG trở thành một nguồn năng lượng chủ đạo ở châu Âu là giá năng lượng sẽ tăng vọt. Nguyên nhân đầu tiên là LNG được vận chuyển bằng tàu biển cho nên chi phí cao. Sau khi Anh thay thế lượng khí đốt Biển Bắc ngày càng sụt giảm của họ bằng LNG, số tiền chi cho khí đốt của nước này tăng hơn gấp đôi. Trong khi đó, với trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ, Nga luôn có khả năng cung cấp khí đốt với giá thấp hơn giá LNG của Mỹ xuất sang châu Âu. Vì vậy, muốn thay khí đốt của Nga bằng LNG của Mỹ, Oa-sinh-tơn hoặc các nước châu Âu cần phải cung cấp một khoản trợ cấp lớn cho các công ty xuất khẩu LNG của Mỹ để thuyết phục họ bán LNG cho châu Âu với mức giá phải chăng.

Như vậy, ý tưởng "mang khí đốt Mỹ đến EU" không có ý nghĩa thực tế cả về kinh tế, chính trị. Và, đây sẽ chính là "gót chân A-sin" của nước Mỹ trong vấn đề U-crai-na. Việc Mỹ lôi kéo EU tập hợp thành "một mặt trận thống nhất" để trừng phạt Nga liên quan cuộc khủng hoảng tại U-crai-na sẽ không hề đơn giản, trong bối cảnh EU vẫn phải nhập khẩu tới 30% lượng khí đốt từ Nga. Dẫu có "chung một chiến hào" với Mỹ, thì EU cũng không thể "mạnh tay" trừng phạt Nga bởi Mát-xcơ-va vẫn đóng vai trò quan trọng với khối này. Theo đó, có thể thấy, khí đốt vẫn là một "vũ khí" quan trọng của Nga trong việc đương đầu với Mỹ và phương Tây, trong khi nước Mỹ xem ra "lực bất tòng tâm" trong một vấn đề then chốt: bảo đảm nguồn cung cho EU đang khát năng lượng.