Bình luận quốc tế

Lợi ích ràng buộc

Thổ Nhĩ Kỳ đang ở thời điểm thuận lợi để có thể hàn gắn rạn nứt trong quan hệ với đồng minh Mỹ và nối lại hợp tác với Liên hiệp châu Âu (EU).

Lợi ích từ các mối quan hệ chiến lược với đồng minh và đối tác đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ có những điều chỉnh chính sách trong nhiều vấn đề, nhằm làm dịu căng thẳng ở khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ và EU trải qua một năm nhiều sóng gió trong quan hệ hai bên, liên quan các hoạt động thăm dò dầu khí của An-ca-ra ở Ðông Ðịa Trung Hải, cũng như các chính sách đối với khu vực Trung Ðông - Bắc Phi, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Li-bi. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu thăm dò khí đốt và điều tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp ở Ðông Ðịa Trung Hải, dẫn đến va chạm với tàu chiến của quốc gia thành viên EU là Hy Lạp, đã đẩy căng thẳng giữa An-ca-ra và A-ten lên cao, buộc EU phải tăng cường các biện pháp răn đe, trong đó cảnh báo áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng ảnh hưởng nghiêm trọng tới hợp tác giữa hai bên, nhất là vấn đề người di cư bất hợp pháp vào châu Âu.

Ðược xem là "vùng đệm tự nhiên" giữa EU với khu vực Trung Ðông - Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý kiểm soát biên giới giúp ngăn chặn dòng người di cư tìm đường tới các nước EU. Ðổi lại, An-ca-ra nhận được các khoản hỗ trợ tài chính từ EU. Tuy nhiên, căng thẳng vừa qua đã cản trở hợp tác trong vấn đề này và gây thêm khó khăn cho cuộc đàm phán đưa Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Trong khi đó, việc Tổng thống T.Éc-đô-gan rút Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Công ước I-xtan-bun chống bạo lực giới cũng bị phía EU đánh giá là hành động nóng nảy, gây tổn hại không đáng có đối với mối quan hệ giữa hai bên.

Bởi thế, nối lại hợp tác EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một chủ đề quan trọng được các nhà lãnh đạo châu Âu đề cập tại Hội nghị cấp cao EU trong hai ngày qua. Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về cách tiếp cận nhằm tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong những lĩnh vực hai bên cùng có lợi ích. EU yêu cầu Tổng thống T.Éc-đô-gan đưa ra cam kết nối lại quan hệ hai bên, tuy nhiên, điều kiện mà EU đưa ra là Thổ Nhĩ Kỳ phải giảm căng thẳng, giải quyết tranh chấp với Hy Lạp và CH Síp ở Ðông Ðịa Trung Hải, rút quân khỏi Li-bi và có giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề trong nước. Trong các vấn đề này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thể hiện thiện chí nối lại đàm phán để giải quyết tranh chấp ở Ðông Ðịa Trung Hải, cũng như phối hợp trong các nỗ lực quốc tế tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Li-bi.

Quan hệ đồng minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng trải qua nhiều giai đoạn "cơm không lành, canh chẳng ngọt". Bất đồng trong vấn đề Xy-ri khiến An-ca-ra bỏ qua đồng minh Mỹ, quay sang bắt tay đối tác Nga. Việc An-ca-ra mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bị xem là đòn giáng mạnh vào mối quan hệ đồng minh, dẫn tới Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Tổng thống G.Bai-đơn lên nắm quyền, mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ được kỳ vọng có cơ hội hàn gắn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan nêu rõ mong muốn tăng cường hợp tác lâu dài với Mỹ, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, giữa An-ca-ra và Oa-sinh-tơn lợi ích chung vượt xa điểm khác biệt. Ðây được coi như "lời mở đầu" để hai bên cài đặt lại quan hệ. Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO ở thủ đô Brúc-xen (Bỉ) vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và người đồng cấp Mỹ đã có cuộc hội đàm mang tính xây dựng. Việc Oa-sinh-tơn công bố cách tiếp cận mới về hợp tác với các đồng minh trong NATO cũng đem đến cơ hội "sưởi ấm" quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ.

Chương trình nghị sự tích cực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã được đưa ra và hai bên nỗ lực tạo bầu không khí thuận lợi cho việc tái khởi động đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp. Tín hiệu muốn làm tan băng trong quan hệ cũng đã được phát đi từ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Không phủ nhận thực tế rằng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ vai trò địa chính trị quan trọng với cả EU và Mỹ. Lợi ích chung là sợi dây ràng buộc để hai phía có những bước đi phù hợp.

KHÁNH VÂN