Hy vọng cuối cùng

Bộ trưởng Nhà ở của Anh R.Gien-rích vừa tuyên bố, Luân Đôn hy vọng sớm đạt được một thỏa thuận thương mại tương lai với Liên hiệp châu Âu (EU). Phát ngôn này thắp lên hy vọng đàm phán thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU sẽ kết thúc có hậu, trong bối cảnh hạn chót sắp đến và các vòng đàm phán bế tắc suốt tám tháng qua.

Trả lời phỏng vấn đài BBC, Bộ trưởng Nhà ở của Anh mong muốn phía EU sẽ thể hiện sự linh hoạt hơn nữa. Trước đó, hai bên đã nhóm họp tại thủ đô Luân Đôn nhằm thúc đẩy đối thoại để đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Đây được xem là nỗ lực cuối cùng để hai bên đạt được thỏa thuận về mối quan hệ thương mại trong tương lai trước ngày 15-11, thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao EU, cũng là hạn chót mà Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn đặt ra để đạt thỏa thuận nêu trên.

Trước đó, hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán, nhưng không thể thu hẹp bất đồng về những vấn đề gai góc gồm “sân chơi bình đẳng” cho kinh doanh, quản trị việc thực thi Thỏa thuận rút lui, tiếp cận vùng biển đánh cá của Anh. Về “sân chơi bình đẳng”, Anh kiên quyết không nhượng bộ đối với các điều khoản có thể khiến Luân Đôn phải thay đổi các quy tắc cạnh tranh hiện có của mình. Trong khi đó, EU muốn xây dựng một cơ chế để định hình các tiêu chuẩn chung trong tương lai. 

Khác với các vòng đàm phán trước khi hai bên luôn thể hiện quan điểm cứng rắn, ở vòng đàm phán lần này, Anh và EU cho thấy thiện chí cao hơn. Trước thềm vòng đàm phán mới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu V.Lây-en và Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn đã có cuộc điện đàm nhất trí những bất đồng lớn cần được thu hẹp và hai bên phải tiếp tục nỗ lực để đạt được một thỏa thuận đối tác thương mại mới trước khi giai đoạn quá độ Brexit kết thúc vào ngày 31-12. Về vấn đề quyền đánh bắt cá, Bộ trưởng Môi trường Anh nhấn mạnh, “xứ sở sương mù” luôn sẵn sàng đàm phán để đạt được cách tiếp cận phù hợp, hướng đến một thỏa thuận tiềm năng được thực thi trong vài năm. 

Trong khi đó, giới phân tích đã nhiều lần cảnh báo kinh tế hai bên, nhất là kinh tế Anh sẽ chịu nhiều thiệt hại trong trường hợp Anh rời EU mà hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại. Ngân hàng trung ương Anh cho biết, GDP của quốc gia này có thể sụt giảm 1% vì những thay đổi về thương mại, kể cả khi hai bên đạt thỏa thuận. Anh đã ra khỏi EU vào tháng 1-2020 và giờ là hạn chót để hai bên đạt được một thỏa thuận nhằm quản lý dòng chảy hàng hóa trị giá gần 1.000 tỷ USD mỗi năm trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31-12. Sau thời điểm nêu trên, các nhà xuất khẩu của Anh sẽ phải hoàn tất một loạt giấy tờ như tờ khai hải quan và chứng nhận an toàn cùng với các hệ thống công nghệ thông tin để vào được thị trường EU. Các doanh nghiệp dự kiến sẽ khó khăn và tốn kém hơn khi phải hoàn tất giấy tờ và đưa hàng hóa ra kiểm tra ngẫu nhiên trước khi qua biên giới... Trong khi đó, hiện nay, các cảng của “xứ sở sương mù” không còn nhiều thời gian để hoàn tất việc tích hợp hoặc thử nghiệm các hệ thống của họ với các dịch vụ công nghệ mới của chính phủ. Với EU, việc đàm phán thương mại với Anh bế tắc cũng đã phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế của khối này, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế khu vực lao dốc nhiều tháng qua.

Xuất phát từ bài toán lợi ích của cả Anh và EU, giới phân tích hy vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit trong vài ngày tới như mong muốn của Bộ trưởng Nhà ở của Anh. Tuy nhiên, báo chí châu Âu cho biết, tại cuộc họp thường lệ ngày 11-11, các đại sứ của 27 nước thành viên EU không được thông báo về diễn biến mới nhất của các cuộc đàm phán. Dự kiến, cuộc đàm phán đang diễn ra tại Luân Đôn có thể sẽ kéo dài tới cuối tuần. Theo đó, giới phân tích lo ngại Anh và EU dường như sẽ “bỏ lỡ thời hạn chót” vào giữa tháng này để đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai đang bùng phát mạnh ở Anh và EU như hiện nay, trường hợp đàm phán thất bại và nước Anh không thể bình yên rời “mái nhà chung châu Âu”, đây sẽ là một tin rất xấu với kinh tế toàn khu vực.