Điểm sáng và điểm tựa

Bộ Thương mại Mỹ vừa cho biết, quý III vừa qua, kinh tế Mỹ đã ghi nhận mức phục hồi mạnh nhất từ trước đến nay, khi tăng trưởng đạt 33,1%. Thông tin này được xem là “quý hơn vàng” với đương kim Tổng thống Mỹ Đ.Trăm với hy vọng sẽ tạo thêm điểm tựa trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống.

Như vậy, sau khi rơi xuống “vực sâu” suy thoái với mức suy giảm 31,4% trong quý II, nền kinh tế số một thế giới đã “trở về đỉnh cao” trong quý III vừa qua và đây là mức tăng trưởng quý cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1947. Giới chuyên gia của Bộ Thương mại Mỹ nhận định, chính việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng chi tiêu đã góp phần giúp kinh tế đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong quý III năm nay.

Cùng với thông tin kinh tế tích cực, thị trường chứng khoán Mỹ gần đây tràn sắc xanh và thị trường lao động cũng cho thấy tín hiệu tích cực. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29-10 (giờ địa phương), chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm. Theo đó, chỉ số S&P 500 tăng 1,2%; Nasdaq Composite tăng 1,6%; chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5%. Về thị trường lao động, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là 751.000 người, giảm 40.000 người so với tuần trước đó và đây là tuần thứ hai liên tiếp số người xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm; cũng và là mức thấp nhất kể từ khi các doanh nghiệp đóng cửa để chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, dù thông tin kinh tế tích cực từ Bộ Thương mại đang là “điểm tựa” cho Tổng thống Đ.Trăm trước thềm cuộc tổng tuyển cử, nước Mỹ và ông chủ Nhà trắng nhiệm kỳ tới cũng chưa thể “kê cao đầu mà ngủ”, bởi các thách thức từ dịch bệnh và khó khăn kinh tế phía trước vẫn vô cùng lớn. Kinh tế Mỹ dù phục hồi mạnh trong quý III song giới phân tích cảnh báo rằng sự phục hồi này là không bền vững. Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cũng nhận định, sự phục hồi này có thể không kéo dài cho đà phục hồi trong quý III chủ yếu nhờ chi tiêu tiêu dùng được hỗ trợ từ gói 3.000 tỷ USD của chính phủ. Chưa kể sự phục hồi này chưa đủ mạnh để đưa nền kinh tế số một thế giới trở về mức tăng trưởng trước đại dịch. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng, Mỹ cần đạt mức tăng trưởng 53% để đưa GDP về mức cuối năm 2019.

Bên cạnh đó, các điều khoản chính trong gói chi tiêu 3.000 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES), được ban hành tháng 3 vừa qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch, đã hết hạn. Bởi vậy, nền kinh tế thiếu “thuốc tăng lực” trong những tháng tới. Đáng lo ngại là đại dịch Covid-19 vẫn đang nghiêm trọng và là “khắc tinh” của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Hiện Mỹ vẫn là điểm nóng về Covid-19 với hơn 9,2 triệu người mắc, khoảng 235 nghìn người chết. Trong 24 giờ qua, Mỹ có thêm 83.757 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong vòng một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 1. Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cảnh báo, dịch đang lan rộng tại miền trung và miền tây, bao gồm cả những bang chiến địa đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 3-11 tới.

Dẫu vậy, dù tin vui từ “điểm sáng” của kinh tế Mỹ có thể chỉ là nhất thời, nhưng nó vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với đương kim Tổng thống Đ.Trăm trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong vài ngày tới và ông đang thu hẹp khoảng cách với đối thủ trên các bảng khảo sát. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos vừa công bố cho thấy, cuộc đua quyết liệt giữa hai ứng cử viên, trong đó 49% số người được hỏi ủng hộ cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn, trong khi 46% cho biết sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Đ.Trăm.

Trong các cuộc vận động tranh cử ngày 29-10 tại bang chiến địa Phlo-ri-đa, hai ứng cử viên đã thể hiện cách tiếp cận trái ngược trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch. Với 29 phiếu đại cử tri, bang Phlo-ri-đa là bang nắm vai trò quyết định trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, chiến thắng của ông Đ.Trăm tại bang này có ý nghĩa quan trọng giúp ông đắc cử. Ông cũng lên lịch trình tới 10 bang trong những ngày cuối cùng của chiến dịch và tổ chức 11 cuộc mít-tinh trong 48 giờ cuối cùng trước ngày bầu cử. Theo các nhà phân tích, dù trải qua nhiều bất lợi, nhưng hiện Tổng thống Đ.Trăm đang dần có được các yếu tố “thiên thời, địa lợi” trong chặng cuối cùng của cuộc đua vào Nhà trắng.