Cánh cửa đã hé mở

Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen có chuyến công du Li-bi nhằm bày tỏ sự ủng hộ của Liên hiệp châu Âu (EU) đối với những nỗ lực của quốc gia Bắc Phi nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài 10 năm qua. Sự ổn định của Li-bi sẽ tác động trực tiếp tới châu Âu và hiện là thời điểm quan trọng để EU xúc tiến các bước hợp tác toàn diện với Li-bi vì lợi ích của cả hai phía.
 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen đã hội kiến Tổng thống Li-bi An Men-phi và tân Thủ tướng A.Bây-ba. Tại các cuộc gặp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh, EU sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ đoàn kết dân tộc mới (GNU) mới được thành lập ở Li-bi nhằm củng cố sự ổn định và tiến tới tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 12 tới. Những lĩnh vực mà EU có thể trợ giúp Li-bi là phục hồi kinh tế, chuẩn bị bầu cử, hay chống di cư bất hợp pháp...
 
 Châu Âu nhiều năm qua hứng chịu làn sóng di cư xuất phát từ Li-bi. Quốc gia Bắc Phi rơi vào vòng xoáy chia rẽ và bạo lực trong suốt một thập niên, khiến “lục địa già” ở bên kia Địa Trung Hải cũng chao đảo, khi phải chịu nhiều hệ luỵ từ làn sóng tị nạn đổ dồn từ bờ biển Li-bi. Bởi thế, hơn ai hết, châu Âu mong muốn đất nước Li-bi ổn định, yếu tố quan trọng giúp hạn chế làn sóng người tị nạn vượt Địa Trung Hải vào châu Âu.
 
 Việc thành lập GNU được các nước châu Âu coi là bước ngoặt quan trọng, mở đường cho tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Li-bi. Bộ trưởng Ngoại giao các nước Pháp, Đức và I-ta-li-a đã có chuyến thăm chung tới thủ đô Tơ-ri-pô-li để gặp người đồng cấp Li-bi. Pháp đã mở lại Đại sứ quán tại Li-bi sau bảy năm và đây được xem là dấu hiệu cho thấy sự ổn định đang dần trở lại Li-bi sau nhiều năm bị tàn phá bởi chiến tranh và xung đột. I-ta-li-a thì tiến hành các cuộc thảo luận giữa quan chức hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác về nhiều vấn đề liên quan lợi ích chung, nhất là vấn đề người di cư, lĩnh vực năng lượng tái tạo…
 
 Với sứ mệnh hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái và đoàn kết thống nhất dân tộc nhằm khôi phục sự phát triển đất nước, GNU gánh trên vai trách nhiệm nặng nề. Chính phủ mới đứng trước áp lực phải nhanh chóng giải quyết những thách thức kinh tế - xã hội mà người dân Li-bi đang đối mặt, nâng cao điều kiện sống và các dịch vụ cơ bản, cũng như chuẩn bị cho các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tháng 12 tới. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, chính phủ lâm thời phải duy trì ngừng bắn và xúc tiến hòa giải dân tộc toàn diện.
 
 Tuy nhiên, đây là vấn đề còn nhiều thách thức khi các mối đe dọa khủng bố vẫn rình rập, trong khi sự can thiệp từ bên ngoài khiến tình hình Li-bi phức tạp hơn. GNU đã kêu gọi tất cả lính đánh thuê nước ngoài lập tức rút khỏi nước này, trong bối cảnh sự hiện diện của khoảng 20.000 tay súng nước ngoài tại Li-bi được xem là mối đe dọa lớn đối với tiến trình chuyển tiếp. Liên hợp quốc nhận định, việc rút các lực lượng nước ngoài là bước tiến quan trọng nhằm thiết lập lại sự thống nhất và chủ quyền của Li-bi.
 
 Các nước EU có vai trò quan trọng trong nỗ lực tìm giải pháp chính trị toàn diện cho Li-bi. EU có kế hoạch gia hạn thêm hai năm sứ mệnh của phái bộ quân sự tại Địa Trung Hải, liên quan việc giám sát lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Li-bi. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia Liên hợp quốc cảnh báo, lệnh cấm vận áp đặt đối với Li-bi năm 2011 “hoàn toàn không hiệu quả”, vì đang bị nhiều bên vi phạm một cách trắng trợn. Mối lo ngại an ninh phát sinh từ cuộc xung đột Li-bi khiến các nước châu Âu buộc phải hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn các tay súng thánh chiến được huấn luyện ở Li-bi xâm nhập “lục địa già”. Và việc EU tiếp tục hỗ trợ chính quyền mới ở Li-bi không chỉ góp phần vào nỗ lực quốc tế chung nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở quốc gia Bắc Phi mà còn giúp bảo vệ các lợi ích liên quan của châu Âu.
 
 Cánh cửa hòa bình đã hé mở. Song chặng đường phía trước của chính phủ mới ở Li-bi còn nhiều chông gai, với nhiệm vụ đầy khó khăn. Trong tiến trình sắp tới, Li-bi cần sự hỗ trợ và hợp tác toàn diện của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước châu Âu, nhằm duy trì ổn định và phát triển.