Cam kết kỷ lục

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) D.Malpass vừa công bố, một quỹ quan trọng của WB đưa các nước thoát khỏi nghèo đói đã có được số tiền kỷ lục 82 tỷ USD, bao gồm đóng góp của các nước và nhiều lời hứa được đưa ra trong ba năm tới. Với cam kết kỷ lục này, nhiều nước đang chờ đợi cơ hội để có thể giảm tình trạng nghèo đói. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nguy cơ chệch đường ray trên lộ trình tiến tới mục tiêu xóa đói nghèo vào năm 2030, dự báo “cuộc chiến không tiếng súng” này sẽ còn nhiều gian nan.

Các khu vực bao gồm Sahel, vùng Hồ Sát và Sừng châu Phi sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ khoản đóng góp mới (Ảnh: FAO)
Các khu vực bao gồm Sahel, vùng Hồ Sát và Sừng châu Phi sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ khoản đóng góp mới (Ảnh: FAO)

Con số cam kết dành cho quỹ của WB phục vụ công cuộc chống đói nghèo mới đây tăng bảy tỷ USD so ba năm trước. Ðây là “mức bổ sung lớn nhất” từ trước tới nay của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), biểu hiện mạnh mẽ về sự ủng hộ của các đối tác WB cho nhiệm vụ cấp bách chấm dứt nghèo đói cùng cực và thúc đẩy sự thịnh vượng tại các nước nghèo nhất và dễ tổn thương nhất. Nhà lãnh đạo WB nêu rõ, sự đóng góp này sẽ giúp các nước đối phó thách thức như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới, các tình huống bấp bênh, xung đột và bạo lực, bao gồm ở các khu vực Sahel, vùng Hồ Sát và Sừng châu Phi. Ra đời năm 1960, IDA lâu nay chỉ dựa vào những đóng góp của các nước giàu, nhưng từ năm 2017, quỹ này đã phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư để bổ sung nguồn tài trợ. Số tiền WB mới nhận được là đóng góp của 52 quốc gia, cộng với tiền thu được từ các thị trường tài chính. Hiện trong số 74 quốc gia đang được hưởng quỹ này, phần lớn là các nước châu Phi, với 53 tỷ USD được phân bổ.

Bức tranh đói nghèo của thế giới đã có nhiều bước chuyển sang những gam màu sáng sủa hơn. Báo cáo về các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2019 của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, tỷ lệ người thuộc diện đói nghèo cùng cực (thu nhập dưới 1,9 USD/ngày) trên thế giới đã giảm mạnh, từ mức 35,9% năm 1990 xuống còn 9,9% năm 2015. Trong hơn 25 năm qua, hơn một tỷ người trên thế giới đã vươn lên thoát khỏi ngưỡng nghèo cùng cực. Phần lớn trong số này là người dân các nước khu vực Ðông Á, nơi tỷ lệ nghèo khổ giảm từ mức 52% năm 1990 xuống còn chưa đầy 1% vào năm 2015. Khu vực Nam Á cũng đạt được mục tiêu ấn tượng về thoát nghèo cùng cực. Tuy nhiên, đó chỉ là phần sáng của bức tranh nhiều mảng màu. Thực tế, các dự báo cho thấy, tới năm 2030, tỷ lệ đói nghèo cùng cực trên thế giới sẽ chỉ giảm xuống mức 6% nếu đà hiện nay tiếp tục được duy trì. Có tới 413 triệu người trong tổng số 736 triệu người cực nghèo trên thế giới sinh sống tại khu vực nam sa mạc Sahara của châu Phi. Ðáng lo ngại là số đối tượng thuộc diện này có xu hướng gia tăng. Trước thực trạng tốc độ giảm đói nghèo ở nhiều nước đang chững lại, LHQ cảnh báo, nếu các nước không có những điều chỉnh đáng kể về chính sách, tỷ lệ cực nghèo tại khu vực nam Sahara sẽ tăng lên mức hai con số vào năm 2030.

Ước vọng về một thế giới không còn cảnh đói nghèo vẫn xa vời, khi số người không đủ ăn tiếp tục tăng từ 811 triệu người năm 2017 lên 821 triệu người năm 2018. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) dự đoán, thế giới sẽ không thể đạt mục tiêu xóa đói vào năm 2030. Ðây được cho là một xu hướng tồi tệ bởi không bảo đảm an ninh lương thực thì thế giới sẽ không thể hòa bình và ổn định. Theo các chuyên gia kinh tế, thương mại vẫn sẽ là lĩnh vực quan trọng nhất để thúc đẩy nhiều nước thoát nghèo với điều kiện các nhà hoạch định chính sách phải tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lợi thế của các nước kém phát triển là có thể tham gia vào chuỗi với chỉ một thành phần mà không cần phải sở hữu công nghệ hay kỹ năng tiên tiến để chế tạo ra thành phẩm. Nhờ đó, các nước này tăng sản lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để có thể khai thác chuỗi giá trị toàn cầu, WB đang hối thúc các quốc gia chú trọng tiến hành cải cách. Nhiều khuyến cáo cũng đã được các nhà kinh tế đưa ra nhằm đảo ngược xu thế gia tăng tỷ lệ đói nghèo, vốn cũng là một trong những mục tiêu quan trọng về phát triển bền vững mà LHQ đặt ra. Tuy nhiên, thế giới được cảnh báo sẽ xa rời mục tiêu về xóa đói nghèo nếu các quốc gia không có hành động quyết liệt. Nếu không quản lý tốt nguồn vốn thì cũng sẽ chỉ “tốt vay, dày nợ”. Cam kết của các nước giàu sẽ chỉ được thực thi hiệu quả khi có sự phối hợp tốt giữa nhà đầu tư và các quốc gia nhận tài trợ.