Tư vấn đối thoại

Được phạt đến 75 triệu đồng đối với vi phạm về bảo hiểm xã hội

Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), cơ quan BHXH được xử phạt với mức cao nhất là bao nhiêu tiền?

NGUYỄN TÚ (Hải Phòng)

Trả lời: 

Điều 5 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1-3-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã quy định rõ thẩm quyền xử phạt của cơ quan BHXH, cụ thể như sau:

1. Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 38 của Nghị định này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 7 Điều 38 của Nghị định này.

2. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 38 của Nghị định này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 7 Điều 38 của Nghị định này.

3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định thành lập có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 52.500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 38 của Nghị định này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 7 Điều 38 của Nghị định này.

Người lao động thất nghiệp cần làm thủ tục gì để được hỗ trợ học nghề? 

Trong thời gian thất nghiệp, nếu muốn được hỗ trợ học nghề thì người lao động cần làm hồ sơ như thế nào?

TRẦN MINH TRANG (Phú Thọ)

Trả lời:

Vì bạn đọc không nêu rõ trường hợp cần hỏi thuộc diện người lao động đang chờ kết quả giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hay địa điểm muốn học nghề có phải là nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không, nên chúng tôi trả lời chung như sau:

Ngày 29-5-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. 

Nghị định số 61/2020/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề của người lao động như sau:

Một là, hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang chờ kết quả giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại địa phương nơi đang chờ kết quả hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là đề nghị hỗ trợ học nghề theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này.

Hai là, hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề tại địa phương không phải nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, bao gồm đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại Khoản 1 Điều này và quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu.

Ba là, hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người lao động không thuộc trường hợp nói trên, gồm có: Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại Khoản 1 Điều này; bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định này; sổ BHXH.

Trường hợp người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không đáp ứng đủ điều kiện hưởng thì hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề là đề nghị hỗ trợ học nghề theo quy định tại Khoản 1 Điều này và thông báo của Trung tâm dịch vụ việc làm về việc người lao động không đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.