Tăng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công từ ngày 1-7

NDO -

NDĐT- Từ ngày 1-7, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng điều chỉnh tăng. Kinh phí dành cho mức điều chỉnh là khoảng 716 tỷ đồng.

Các đại biểu tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018 tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Đăng Khoa).
Các đại biểu tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018 tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Đăng Khoa).

Tăng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định 58/2019/NĐ-CP là 1.624.000 đồng, trong khi quy định cũ tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP là 1.515.000 đồng). Tổng kinh phí mức tăng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng là khoảng 716 tỷ đồng.

Nghị định 58/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng. Theo đó, mức trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945: Diện thoát ly là 1.815.000 đồng; diện không thoát ly 3.081.000 đồng.

Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của một liệt sĩ là 1.624.000 đồng. Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của hai liệt sĩ là 3.248.000 đồng. Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của ba liệt sĩ trở lên là 4.872.000 đồng.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ) hưởng mức phụ cấp 1.361.000 đồng.

Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sống ở gia đình hưởng mức trợ cấp 1.624.000 đồng.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng mức trợ cấp 1.361.000 đồng.

Với trường hợp bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% - 100%, mức trợ cấp từ 1.695.000 đồng - 4.137.000 đồng. Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có bệnh tật đặc biệt nặng hưởng phụ cấp 1.624.000 đồng.

Văn bản cũng quy định về trợ cấp ưu đãi hằng năm và trợ cấp ưu đãi một lần

Trợ cấp ưu đãi hằng năm được quy định như sau: Liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng là 500 nghìn đồng.

Trợ cấp ưu đãi đối với con của người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại: Cơ sở giáo dục mầm non 200 nghìn đồng; cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người khuyết tật, khuyết tật 250 nghìn đồng; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, phổ thông dân tộc nội trú 300 nghìn đồng.

Trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học là 300 nghìn đồng.

Về trợ cấp ưu đãi một lần, Nghị định quy định: Trợ cấp một lần khi báo tử liệt sĩ ở mức 20 lần mức chuẩn; hỗ trợ chi phí báo tử một triệu đồng.

Đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến qua đời trước ngày 1-1-1995; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến được truy tặng, mức trợ cấp 20 lần mức chuẩn…

Đại diện Cục Người có công cho hay, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2019, nhưng các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định trong văn bản được thực hiện từ ngày 1-7-2019.

Trước đó, Chủ tịch nước đã ký Quyết định về tặng quà của Chủ tịch nước tặng đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947-27-7-2019).

Theo đó, tùy theo đối tượng, sẽ có hai mức quà tặng là 400 nghìn đồng và 200 nghìn đồng. Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp này là hơn 332,5 tỷ đồng và đã được bố trí trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2019.

Gặp mặt thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc

Bên cạnh đó, trong tháng bảy năm nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt các thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc. Đây là hoạt động tri ân người có công thường niên đầy ý nghĩa diễn ra từ hàng chục năm nay.

Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi cũng chia sẻ, chương trình sẽ có sự tham gia của 500 đại biểu là thương binh nặng trên toàn quốc. Theo thống kê, cả nước có hơn 12 nghìn thương binh nặng, chủ yếu là đối tượng phải dùng xe lăn xe lắc, di chuyển khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Mục đích của buổi gặp mặt nhằm tri ân, động viên các đồng chí thương binh nặng đã vượt lên thương tật, bệnh tật, ổn định cuộc sống, ghi nhớ công lao của họ với đất nước.

Sự kiện dự kiến diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình và được phát sóng trực tiếp trên Kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam cùng một số kênh truyền hình khác.