Chung tay bảo đảm an sinh

Không chỉ được xem là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, dịch Covid-19 đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, hậu quả của đại dịch này có thể vượt xa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2008 - 2009.

Khoảng 3,3 tỷ người trên thế giới đã trở thành đối tượng chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa vì dịch Covid-19. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng trở nên mong manh hơn bao giờ hết... Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 dự kiến sẽ “cướp” đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý II - 2020, tương đương 195 triệu việc làm toàn thời gian…

Một báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo ước tính sơ bộ, 19% số doanh nghiệp tại Việt Nam đã phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Covid-19 cũng khiến 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ phải nghỉ việc; 78% số lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% số lao động hàng không tạm nghỉ việc.

Thống kê của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, tính từ ngày 1-1 đến 26-3, cả nước đã có hơn 153 nghìn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, riêng tháng 2 có hơn 47 nghìn người nộp hồ sơ, tăng 59,2% so với tháng 1 và tăng 70% so cùng kỳ năm ngoái. Đến tháng 3, con số này tiếp tục tăng cao, lên tới gần 54 nghìn người.

Dịch bệnh cũng khiến hàng triệu người lao động, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức phải chịu ảnh hưởng nặng nề; đẩy những nhóm dân cư yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... vào tình trạng khó khăn hơn.

Có thể nói, việc bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta phải đối mặt những thách thức rất lớn. Chính vì vậy, những giải pháp hỗ trợ bảo đảm an sinh cũng như hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang được Chính phủ khẩn trương thực hiện không chỉ mang đến sự vững tâm mà còn chứa đựng nhiều kỳ vọng. Và, để tạo ra tâm thế đó, chúng ta cũng có thể nhắc tới những đóng góp của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), cơ quan được giao trọng trách thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) những cột trụ của hệ thống chính sách an sinh xã hội, đã thực hiện trong suốt thời gian qua. Đó không chỉ là việc bảo đảm nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tăng cao khi có dịch bệnh mà còn ở con số hàng chục triệu người (riêng tháng 3 là hơn 14,6 triệu người) được khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ BHYT trong những tháng đầu năm. Đó cũng là việc hơn 2.000 tỷ đồng từ quỹ BH thất nghiệp được sử dụng để chi trả trợ cấp cho hàng trăm nghìn người thất nghiệp; hỗ trợ hàng nghìn người lao động học nghề... Những con số ý nghĩa nêu trên đã thể hiện vai trò quan trọng của chính sách BHYT, BH thất nghiệp, giúp một bộ phận người dân vượt qua khó khăn khi đau ốm; bảo đảm phần nào đời sống của người lao động và gia đình họ lúc gặp khó khăn về việc làm trong bối cảnh dịch bệnh.

Để góp phần giải quyết khó khăn cho người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, ngành BHXH chủ động chi trả gộp lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp tháng 4 và tháng 5-2020 đến người hưởng với hình thức phù hợp. Ngành cũng đã đẩy mạnh giao dịch trực tuyến hay qua dịch vụ bưu chính; đồng thời ứng dụng nhiều tiện ích công nghệ, tạo thuận lợi cao nhất xử lý các thủ tục phát sinh như đăng ký hưởng lương hưu, trợ cấp hay cấp, gia hạn thẻ BHYT… cho người dân. Điều đó giúp người dân nói chung, người lao động nói riêng thêm vững tâm trong giai đoạn khó khăn này.