Bảo hiểm xã hội một lần và áp lực an sinh

Thời gian qua, nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động để người lao động nghỉ việc không nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đã được ngành BHXH Việt Nam tập trung thực hiện. Tuy nhiên, những diễn biến trên thực tế vẫn khiến các nhà làm chính sách, cơ quan thực hiện cũng như những người quan tâm đến lĩnh vực an sinh xã hội đặc biệt lo ngại.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2020, số người hưởng BHXH một lần ở nhiều địa phương liên tục gia tăng; mỗi năm bình quân có khoảng 700 nghìn người hưởng. Riêng trong 5 năm thực hiện Luật BHXH (sửa đổi), cả nước đã có hơn 3,7 triệu người hưởng BHXH một lần; trung bình mỗi năm có gần 750 nghìn người đã tham gia BHXH rời khỏi hệ thống, chiếm hơn 5% tổng số người tham gia BHXH.
 
 Trong bối cảnh toàn ngành BHXH Việt Nam không ngừng nỗ lực phát triển số lượng người tham gia BHXH, có thể nói, đây là một khó khăn rất lớn. Thực tế là, ở một số địa phương, công tác phát triển lao động tham gia mới không đủ bù đắp cho những người hưởng chế độ BHXH một lần. Còn tính trên phạm vi cả nước, xu thế này đã dẫn đến tình trạng “hai bước tiến, một bước lùi” (cứ có hai người mới tham gia vào BHXH thì có một người rời khỏi hệ thống) trong mở rộng diện bao phủ BHXH, khiến con số gần 3,76 triệu người tham gia BHXH (trong đó gần ba triệu người tham gia BHXH bắt buộc) tăng mới trong 5 năm qua, dù rất khó khăn mới đạt được, nhưng cũng không mang lại nhiều ý nghĩa.
 
 Sự gia tăng số người nhận BHXH một lần, trước hết, khiến mức độ bao phủ của hệ thống BHXH bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia và số người thụ hưởng. Đồng thời, ở góc độ khác, mặc dù trợ cấp BHXH một lần có thể đáp ứng nhu cầu tài chính, giải quyết khó khăn trước mắt cho những người lao động đã có thời gian tham gia BHXH, nhưng về lâu dài việc quy định cho phép hưởng BHXH một lần sẽ không khuyến khích người lao động tích lũy các khoảng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động; lấy đi của họ sự bảo trợ khi về già với các chế độ hưu trí hằng tháng cùng với BHYT do quỹ BHXH chi trả và chế độ tử tuất bao gồm cả mai táng phí và trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần. Điều đó không chỉ tạo ra áp lực rất lớn về an toàn tài chính đối với bản thân người hưởng BHXH một lần khi hết tuổi lao động, mà còn có thể “cộng hưởng” để trở thành một vấn đề xã hội, tạo thêm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước trong tương lai.
 
 Chính vì vậy, nhiều người đang kỳ vọng những sửa đổi trong Luật BHXH tới đây sẽ góp phần hạn chế được tình trạng rất đáng lo ngại này. Điều đáng mừng là đến nay, những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số người hưởng BHXH một lần cũng đã được nhận diện khá rõ ràng, cụ thể, kể cả từ phía người lao động (như những khó khăn trong cuộc sống, hạn chế trong nhận thức, chưa có “thói quen” bảo hiểm để tự bảo đảm an sinh…), lẫn những bất cập về mặt chính sách (như điều kiện hưởng khá dễ dàng; mức hưởng khá “hấp dẫn”, trong khi quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt, khiến người lao động không đủ “kiên nhẫn” để bảo lưu, tham gia tiếp...).
 
 Từ nhận diện vấn đề, nhiều giải pháp cũng đã được đề xuất, như: tăng mức hỗ trợ, bổ sung quyền lợi ngắn hạn cho người tham gia BHXH tự nguyện (để khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia); sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH để giúp những người có số năm tham gia BHXH thấp được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nhưng có lợi hơn so với nhận một lần...
 
 Cùng với việc điều chỉnh điều kiện hưởng BHXH một lần theo lộ trình như một yêu cầu tiên quyết, có thể thấy, những giải pháp đang được xây dựng là khá toàn diện, bám sát những định hướng của Đảng về cải cách chính sách BHXH, hướng đến bảo đảm quyền lợi an sinh tốt hơn cho người dân.