Ứng xử pháp lý một cách văn minh

Gần đây, dư luận xôn xao trước vụ việc Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) tính kiện UBND xã Thiệu Công ra tòa do không chịu trả số tiền nợ là 3,1 tỷ đồng.

Trụ sở UBND xã Thiệu Công. Ảnh: TL
Trụ sở UBND xã Thiệu Công. Ảnh: TL

Xã chây ỳ công nợ, huyện tính kiện ra tòa

Nguyên do mọi rắc rối bắt đầu từ năm 1997 đến 2004, UBND xã Thiệu Công đã tự ý thu tiền hợp thức hóa đất ở trước năm 1980 của hàng chục hộ dân trên địa bàn với số tiền 1,7 triệu đồng/hộ. Sự việc này đã khiến nhiều người dân Thiệu Công tập trung khiếu nại, khiếu kiện lên các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh.

Để giải quyết các tồn đọng đất đai, UBND huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo thanh tra về trách nhiệm trong quản lý đất đai tại xã Thiệu Công. Qua thanh tra phát hiện dấu hiệu tội phạm nên ngày 28-8-2018, huyện Thiệu Hóa đã chuyển hồ sơ tư liệu sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT). Ngày 31-10-2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thiệu Hóa kết luận: “Hành vi của một số cán bộ xã Thiệu Công có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, theo điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 đã hết thời hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thiệu Hóa kiến nghị xử lý về hành chính đối với đảng viên”.

Sự việc diễn biến phức tạp khiến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng phải về địa phương đối thoại trực tiếp với người dân. Sau buổi đối thoại ngày 28-12-2018, ông Xứng đã ra văn bản yêu cầu UBND xã Thiệu Công phải hoàn trả lại số tiền trên cho dân theo lãi suất tiền vay ngân hàng trước ngày 7-1-2019.

Tại thời điểm đó, do ngân sách xã không đủ khả năng chi trả nên ngày 5-1-2019, trên cơ sở thống nhất cam kết của thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã Thiệu Công đã có văn bản đề nghị huyện cho tạm ứng 3,1 tỷ đồng để trả cho 79 hộ dân. UBND xã Thiệu Công cam kết sẽ trả đầy đủ cho người dân và sẽ thu hồi tiền sai phạm để trả cho UBND huyện trước ngày 30-6-2019. Trên cơ sở đó, UBND huyện Thiệu Hóa đã duyệt cho xã Thiệu Công tạm ứng 3,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của huyện. Tuy nhiên, đã quá thời hạn hoàn ứng theo cam kết nhưng UBND xã Thiệu Công chưa có bất kỳ động thái nào để trả nợ khoản tiền đã cam kết, mặc dù UBND huyện đã nhiều lần ra công văn đốc thúc trả nợ.

Cực chẳng đã, ngày 30-3-2020, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa Trịnh Văn Súy ký văn bản đề nghị Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện tạm dừng không cho xã Thiệu Công rút tiền chi ngân sách đến khi nào trả 3,1 tỷ đồng cho ngân sách huyện. Tuy nhiên, do nhiều người hưởng lương từ ngân sách bị ảnh hưởng nên 16 ngày sau, ông Súy đã ký văn bản đề nghị cho UBND xã Thiệu Công rút tiền ngân sách để trả lương ba tháng (3, 4, 5) cho cán bộ xã.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Viết Tiến, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Việc cho xã Thiệu Công tạm ứng 3,1 tỷ đồng là dựa trên cam kết của Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã. Đây là việc làm phù hợp quy định của pháp luật, thể hiện được tính nhân văn và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau khi tạm ứng thì UBND xã lại liên tục “thất hứa”, không thực hiện cam kết trước đó.

Theo ông Tiến, ngoài số tiền phải thu của các cá nhân, số tiền hơn 300 triệu đồng thuộc trách nhiệm bồi thường của UBND xã không có bất kỳ lý do nào để chây ỳ. Ông cũng cho rằng, nếu cán bộ xã tích cực thu hồi công nợ thì phải có lộ trình cụ thể, nếu chưa thể trả hết tổng số tiền thì phải trả dần. Việc hơn một năm, xã Thiệu Công chưa hề chi trả bất kỳ một đồng nào như cam kết là không thể nào chấp nhận, không có lý do nào thuyết phục.

Ông Trịnh Văn Súy cho biết, UBND huyện sẽ có kiến nghị xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh về vụ việc. Theo quan điểm của ông Súy, việc UBND xã cố tình chây ỳ thể hiện việc coi thường kỷ cương hành chính, vi phạm nghiêm trọng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ông cho biết khởi kiện ra tòa là phương án cuối cùng, nhưng khi tất cả các biện pháp hành chính không có hiệu quả thì đó là việc bắt buộc phải làm.

Nên thanh tra, xử lý theo quy định

Việc UBND huyện có dự định khởi kiện đối với UBND xã thuộc quyền quản lý của mình là điều chưa từng có tiền lệ. Chính vì thế vụ việc đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc UBND huyện có thể khởi kiện UBND xã là chưa có tiền lệ trong lịch sử tố tụng của nước ta. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, đối với các tranh chấp dân sự thì theo quy định tại Điều 186, Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền khởi kiện thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án. Do đó, quy định về chủ thể thì không có quy định nào cấm các cơ quan hành chính nhà nước kiện cơ quan hành chính khác.

Nhưng trong vụ việc này, luật sư Cường cho rằng, cần phải xem xét lại đúng bản chất của nó, bởi lẽ UBND huyện là đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp của UBND xã và UBND xã chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ trong quyền hạn, chức năng của mình và dưới cả sự chỉ đạo của đơn vị quản lý.

​Có thể hiểu nguyên nhân phát sinh vụ việc này liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể theo quy định tại Điều 598 Bộ luật Dân sự 2015 thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. ​Đồng thời theo Điều 33 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì UBND cấp xã là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình. Do đó, theo quy định này thì trong trường hợp này UBND là cơ quan giải quyết bồi thường do cán bộ mình gây ra và có trách nhiệm chi trả bồi thường theo quy định pháp luật.

Luật sư Cường cũng phân tích: theo Điều 44 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định về tạm ứng bồi thường thì trường hợp không còn đủ dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất, Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường có văn bản đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền tạm ứng kinh phí để chi trả cho người yêu cầu bồi thường. Do đó, việc đề nghị tạm ứng bồi thường để giải quyết cho người thiệt hại là phù hợp với quy định pháp luật trong trường hợp không đủ dự toán ngân sách.

​Vì vậy, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong trường hợp UBND cấp huyện cho rằng UBND cấp xã thiếu trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật, không buộc các cá nhân vi phạm hoàn trả lại số tiền thì hoàn toàn có quyền thanh tra, kiểm sát quá trình thực hiện, nếu phát hiện vi phạm cá nhân, tổ chức vi phạm có thể xử lý theo quy định.