Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và cung cấp nước sạch

Ngành nước TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến hết năm 2019 duy trì 100% hộ dân được cấp nước sạch. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thành phố đã kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch từ 30,9% năm 2015 xuống còn 23,31% như hiện nay, vượt tỷ lệ chỉ tiêu theo quy hoạch đến năm 2025 là 25%.

Công nhân cấp nước xúc rửa bể lắng bảo đảm an ninh nguồn nước.
Công nhân cấp nước xúc rửa bể lắng bảo đảm an ninh nguồn nước.

Người dân được hưởng lợi

Gần đây, ông Trần Văn Thành (đường Út Tịch, quận Tân Bình) không còn phải lên Công ty CP Cấp nước Tân Hòa (quận 5) để phản ánh tình trạng thiếu ổn định trong quá trình dùng nước sinh hoạt. Nhờ gắn đồng hồ nước thông minh nên gia đình ông biết rõ lượng nước sử dụng hằng ngày. Nếu lượng nước tăng bất thường thì phần mềm được cài đặt sẵn trên điện thoại (kết nối trực tiếp với đồng hồ nước) sẽ phát ra âm thanh cảnh báo người dùng. Từ đó, gia đình ông có thể chủ động kiểm tra đường ống cũng như các thiết bị liên quan để tìm chỗ bị rò rỉ nước, đồng thời báo với thợ kỹ thuật đến xử lý. “Hơn năm tháng nay, tiền nước hằng tháng phải trả ít hơn, sử dụng nước tiết kiệm hơn”, ông Thành phấn khởi.

Là nơi thường xuyên thiếu nước, thế nhưng đến nay người dân huyện Nhà Bè đã được hưởng lợi từ hệ thống cung cấp nước thông minh. Bà Lê Thị Xuyến (ngụ đường Nguyễn Bình) cho biết, mỗi lúc gặp sự cố liên quan đến quá trình cung cấp nước như bể đường ống cung cấp nước, rò rỉ nước và các sự cố liên quan đến quá trình cung cấp nước, gia đình bà đều có sẵn phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh Smart phone để chủ động báo cho Công ty CP Cấp nước Nhà Bè và được giải quyết nhanh chóng trong ngày. Ngành nước thành phố cũng đã sử dụng đồng hồ nước đọc số từ xa đã tránh phiền hà mỗi hộ dân.

Hiện Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa cấp nước an toàn phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt tại hai quận Tân Bình và Tân Phú. Tính đến nay, trên địa bàn công ty quản lý, 100% hộ dân đã sử dụng nước sạch. Phó Giám đốc Trần Công Lễ cho biết, trước đây, việc tiếp nhận, xử lý, theo dõi và quản lý các điểm sự cố trên mạng lưới cấp nước chủ yếu bằng thủ công khiến nảy sinh nhiều khó khăn, giải quyết chậm. Khắc phục những bất cập, công ty đã nghiên cứu phần mềm “Quản lý sự cố trên điện thoại di động và PC”.

Giải pháp này đã giúp Tân Hòa ghi nhận nhanh các yêu cầu của khách hàng về tình trạng, sự cố cấp nước; thu thập thông tin, vị trí, hình ảnh kết quả kiểm tra sự cố tại hiện trường bằng điện thoại di động, ngay cả khi không có sóng 4G hoặc sóng điện thoại... Từ đó, có thể nhanh chóng khắc phục sự cố. Phần mềm cũng giúp giám sát vị trí, lộ trình của nhân viên ngoài hiện trường thông qua giao diện giám sát nhân viên ngay trên web hoặc thiết bị di động.

Cũng làm nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho người dân tại các quận trung tâm, hiện Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn đang cấp nước sạch cho người dân các quận 5, 6, 8 và Bình Tân. Với hơn 287 nghìn đồng hồ nước và 1.312 km đường ống cấp 3, các địa bàn này đông dân cư, nhiều tiếng ồn và xe cộ qua lại đông đúc nên trước đây công tác dò tìm rò rỉ gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Anh Kiệt, Phó Giám đốc kỹ thuật công ty, để phát hiện rò rỉ nước, ban ngày công nhân phải đi xác định trên các đường ống rồi khoanh vùng nhỏ lại để buổi tối tiếp tục dò tìm. “Tình trạng công nhân cấp nước phải chui xuống cống hàng giờ liền tìm điểm rò rỉ nước diễn ra như cơm bữa. Thế nhưng tỷ lệ phát hiện cũng rất thấp”, ông Kiệt thông tin.

Từ những khó khăn trên, công ty đã ứng dụng chương trình Chowagis để quản lý cơ sở dữ liệu tài sản mạng lưới cấp nước, thông tin dò sửa bể, thông báo tình trạng cúp nước đến khách hàng, quản lý thông tin các đồng hồ tổng (DMA) trên máy tính và điện thoại thông minh. Đơn vị còn ứng dụng mô hình quản lý công nhân khu vực (Caretaker) nhằm khoanh vùng, thiết lập và quản lý vận hành các DMA, để nâng cao hiệu quả giảm thất thoát thất thu. Nhờ đó, 136 DMA trên địa bàn đã được kiểm soát với tỷ lệ hơn 90,84%.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, thời gian tới, Sở sẽ cùng nhóm chuyên gia nước ngoài nghiên cứu và xây dựng lại quy hoạch cấp nước. Ngoài ra, sở cũng kiểm tra các hồ chứa, ống dẫn nước, rà soát quy trình xử lý, cung ứng nước. Sở sẽ áp dụng công nghệ dò tìm các điểm rò rỉ, hư hỏng ống dẫn truyền tải nước nhằm giảm tỷ lệ thất thoát nước.

Khoa học công nghệ là cứu cánh

Hiện nay, nguồn nước của TP Hồ Chí Minh được khai thác từ hai nguồn chính gồm: nguồn nước mặt chiếm khoảng 95,2% (lấy từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai), nguồn nước ngầm khoảng 4,8% (khai thác ở quận 12, huyện Hóc Môn và Bình Chánh).

Về việc triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất và cung cấp nước sạch đến người dân, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) thông tin, những năm qua, ngành nước thành phố có nhiều ứng dụng thành công các giải pháp công nghệ hiện đại và đem lại không ít lợi ích trong đời sống như: Chuyển đổi thành công sử dụng PAC (Poly Aluminium Chloride) lỏng làm chất keo tụ thay thế phèn nhôm trong xử lý nước; trang bị biến tần cho các nhà máy giúp điều chỉnh được chế độ vận hành trạm bơm linh hoạt phù hợp yêu cầu mạng lưới cấp nước; ứng dụng thành công phần mềm thủy lực (WATERGEMs) vào hoạt động quản lý vận hành, phát triển hệ thống cấp nước. Đồng thời, triển khai được hệ thống GIS (thông tin địa lý) cho mạng lưới cấp nước thành phố, góp phần nâng cao năng lực quản lý cấp nước, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu phục vụ công tác vận hành hệ thống cấp nước.

Đặc biệt, ngành nước đã ứng dụng thành công giải pháp thi công đấu nối ống cấp nước bằng công nghệ sử dụng van Linestop (cắt tê không ngưng nước) trong việc di dời đường ống cấp nước. Nhờ vậy, trong quá trình thi công đã không làm gián đoạn hoạt động cấp nước như thời gian trước.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang cho biết, các thiết bị theo dõi online quản lý thông minh đã được triển khai thí điểm tại một số khu vực nhằm giám sát chất lượng nước một cách liên tục. Điều này giúp việc kiểm soát sự cố như vỡ ống, ô nhiễm nguồn nước, vận hành mạng lưới được hiệu quả. Các ứng dụng, cải cách trên mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực, chi phí trong hoạt động...

Hiện nay, ngành nước thành phố đang triển khai công tác quản lý vận hành tổng thể hệ thống cấp nước theo mô hình Trung tâm quản lý vận hành tổng thể của các hệ thống cấp nước hiện đại trên thế giới nhằm nâng cao năng lực quản lý vận hành, hiện đại hóa hệ thống cấp nước. Giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tiến hành đầu tư và tích hợp hệ thống SCADA mạng lưới cấp nước, hệ thống SCADA các nhà máy nước, hệ thống SAWAGIS, phần mềm thủy lực WATERGEMs, hệ thống giám sát theo dõi chất lượng nước cũng như các hợp phần khác; đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực triển khai công tác quản lý vận hành tổng thể về sau.

Theo ông Lê Hòa Bình, thời gian tới, ngành nước TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa văn bản giấy tờ; cải tiến các quy trình giải quyết công việc, xử lý văn bản; xây dựng và phát triển các chức năng mới cho văn phòng điện tử như quản lý công việc, quản lý dự án... Mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ quản lý vận hành hệ thống cấp nước theo hướng tự động hóa, hiện đại hóa.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, quy hoạch cấp nước cần phải được xem xét, điều chỉnh hoặc làm quy hoạch mới, trở nên cấp bách. Quy hoạch cấp nước thành phố phải gắn với quy hoạch cấp nước của vùng. Khi quy hoạch phải chú ý đến an ninh nguồn nước và chú ý đến việc sử dụng nước tiết kiệm, cấp nước hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện tổng công suất cấp nước trên địa bàn thành phố đạt 2,4 triệu m3/ngày, tỷ lệ các hộ dân được cung cấp nước sạch là 100%. Tổng chiều dài các tuyến ống nước trên địa bàn thành phố là hơn 8.000 km. Dự kiến đến năm 2025 sẽ cải tạo 1.430 km đường ống và phát triển thêm 3.650 km đường ống.