Thu nhập lao động ngành may còn thiếu trước, hụt sau

Dệt - may là ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh, thu hút lượng lao động lớn với 2,5 triệu người, tuy nhiên lao động trong ngành lại có mức thu nhập khá thấp và phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí có lao động không đủ trang trải cho những nhu cầu cơ bản.

Ngành dệt - may vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào khâu gia công sản phẩm. Ảnh: THU HẰNG
Ngành dệt - may vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào khâu gia công sản phẩm. Ảnh: THU HẰNG

Rời Yên Bái ra Hà Nội làm công nhân may đã hơn 5 năm, tổng thu nhập của Nguyễn Thị Mến (công nhân một công ty may đặt tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện đạt 4,5 triệu đồng. Dù còn độc thân, chưa vướng bận gia đình, nhưng cuộc sống của Mến khá chật vật. Tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống, sinh hoạt... đủ các thứ phải chi tiêu, trong khi giá cả tiêu dùng thì đắt đỏ nên Mến phải tằn tiện, chắt bóp lắm mới để dành được từ dăm trăm đến một triệu đồng mỗi tháng để gửi về phụ giúp bố mẹ.

“Con gái chưa chồng nhưng nhiều lúc muốn mua chiếc áo mới, hay thỏi son, chút nước hoa làm điệu cũng không dám vì thấy nó xa xỉ quá”, Mến chia sẻ. Độc thân như Mến mà còn khó khăn như vậy, nên cuộc sống của gia đình chị Mai Thị Hoa, công nhân một công ty may mặc trong Khu công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên, còn chật vật hơn. Chồng chị Hoa cũng là công nhân trong cùng công ty. Hai đứa con nhỏ, một 4 tuổi, một 3 tuổi, được gửi về quê để ông bà ngoại trông nom. Với tổng thu nhập chưa đầy 10 triệu đồng/tháng, cuộc sống của chị luôn thiếu trước hụt sau vì phải chi phí nào là tiền nhà, tiền điện, tiền gửi về quê cho ông bà nuôi con. “Trước đây, hai đứa ở cùng bố mẹ. Nhưng vì cả hai vợ chồng em đều thường xuyên phải tăng ca, không thể đưa đón con đến lớp và không có thời gian cơm nước cho đúng giờ, kèm cặp con học bài nên đành phải đưa con về quê ở với ông bà. Nhiều lúc nhớ con đến quặn lòng mà vẫn phải chấp nhận”, chị Hoa ngậm ngùi cho biết.

Trường hợp như Mến và Hoa không phải cá biệt trong đời sống của công nhân ngành dệt - may hiện nay. Chia sẻ tại Hội thảo “Thu nhập của lao động may mặc ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo khảo sát năm 2018 trong bảy ngành thì ngành may là ngành có tiền lương cơ bản thấp nhất. Tiền lương cơ bản trung bình của người lao động (làm đủ giờ) là 4.670.000 đồng, tăng 4,2% so năm 2017. Tình trạng đình công trong ngành may cũng nhiều nhất, chiếm đến 39%, hầu hết liên quan điều kiện làm việc, tiền lương.

Tiền lương không đủ sống cũng dẫn đến các hệ lụy như 31% số lao động không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân để bù đắp thiếu hụt chi tiêu, 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng. Đặc biệt, có 23% số công nhân đang sống trong các điều kiện nhà ở tạm bợ và 44% cho biết đang sử dụng nước giếng và nước mưa.

Theo khảo sát về Chỉ số nhân lực toàn cầu (TWI) của ManpowerGroup Solutions, tổ chức có trụ sở tại Mỹ, Việt Nam hiện nay chỉ có 10,4% số lao động có kỹ năng chuyên môn cao. Báo cáo này cũng nhận định “Việt Nam thiếu lao động tay nghề cao và chưa khai thác tối đa nguồn lực mặc dù nguồn lao động đầy tiềm năng này có nhiều cơ hội việc làm trong nước lẫn khu vực”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc tăng lương đạt mức lương đủ sống gặp trở ngại.

Lý giải về lương ngành dệt - may còn thấp, ông Lê Đình Quảng cho biết, hiện nay ngành dệt - may của Việt Nam vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào khâu gia công sản phẩm. Phần lớn các nhãn hàng và doanh nghiệp cũng không chú trọng tăng phần tiền dành cho nhân công. Chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm là rất ít. Do đó, các công ty may cũng không có nhiều điều kiện để chi thêm cho người lao động.

Theo ông Lê Đình Quảng, các doanh nghiệp cần có giải pháp nâng cao năng suất lao động để tiết giảm các chi phí khác, nâng cao khả năng đàm phán tiền lương khi ký kết, thỏa thuận với các nhãn hàng, quan tâm hơn đến người lao động. “Đã đến lúc chúng ta phải ngừng việc lấy nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư cũng như đàm phán hợp đồng. Lương tối thiểu vùng chỉ là sàn chung, nhưng cũng rất quan trọng để nâng lương cho người lao động. Chúng tôi đề nghị thực hiện nội dung theo Nghị quyết 27 của Chính phủ, đến năm 2020, mức lương tối thiểu phải đạt được mức sống tối thiểu”, ông Quảng nhấn mạnh.

Việt Nam đang hướng tới việc Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp để bảo đảm tính chủ động của doanh nghiệp và quyền doanh nghiệp khi kinh doanh. Tuy nhiên, để có bảng lương đáp ứng được sự kỳ vọng của người lao động thì vai trò của công đoàn trong quá trình thương lượng là rất quan trọng. Chừng nào vai trò của công đoàn chưa được thể hiện rõ nét thì thang bảng lương vẫn phụ thuộc phần lớn vào quyết định của người chủ doanh nghiệp.