Quyết sách đã đi vào cuộc sống

Theo số liệu cập nhật, tính đến ngày 21-5-2020, trên cả nước đã có 15,8 triệu người nhận được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, trong đó có 11,8 triệu đối tượng chính sách và gần bốn triệu người là lao động và hộ kinh doanh.

Người dân phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) đến nhận tiền hỗ trợ.
Người dân phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) đến nhận tiền hỗ trợ.

Rốt ráo vào cuộc

Ở các địa phương, chỉ trong vòng 10 ngày sau khi Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn được ban hành, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch và hướng dẫn để triển khai một cách đồng bộ tới các cấp, các ngành và tiến hành triển khai chi trả kinh phí hỗ trợ người dân. Nhiều địa phương đã chủ động chi hỗ trợ đối tượng là người bán vé số lưu động bị giảm thu nhập sâu và chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công và đối tượng bảo trợ xã hội xong trước ngày 30-4-2020 (tức là chỉ sau năm ngày kể từ khi Quyết định số 15 được ban hành).

Đến nay, qua rà soát, 63/63 tỉnh, thành phố, ngoài hỗ trợ cho số người bán vé số lưu động khoảng gần 51 nghìn người thì về cơ bản đã hoàn thành việc chi hỗ trợ cho bốn nhóm đối tượng gồm người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đây cũng chính là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và có hoàn cảnh khó khăn nhưng thuận lợi trong công tác rà soát, chi trả do đã có danh sách nhận trợ cấp thường xuyên được ưu tiên thực hiện.

Ngoài ra, rất nhiều địa phương đã vận dụng linh hoạt để mở rộng đối tượng được nhận hỗ trợ hoặc tăng mức hỗ trợ do số đối tượng này không thuộc nhóm đối tượng được điều chỉnh bởi Quyết định số 15 như người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập, gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng, hộ gia đình nuôi dưỡng người khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, giáo viên trường mầm non tư thục... Tổng số đối tượng thuộc diện các địa phương mở rộng lên đến gần 18 nghìn người, với số tiền hỗ trợ khoảng 19 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đối với nhóm đối tượng là người lao động bị giãn việc, mất việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ tính từ ngày 1-4 đến 20-5-2020 là hơn 192 nghìn người, tương ứng số tiền chi trả lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Song song đó, các cơ quan bảo hiểm xã hội cũng tiếp nhận yêu cầu cho tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất của các doanh nghiệp cho gần 100 nghìn lao động với số tiền hơn 360 tỷ đồng.

Một số vướng mắc cần tháo gỡ

Về tổng thể, đến thời điểm hiện nay công tác triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho người dân đang được vận hành một cách thông suốt và thuận lợi do nhận được sự đồng thuận cao của các cấp cũng như sự đón nhận của người dân. Nhưng qua công tác triển khai, một số hạn chế, vướng mắc đã phát sinh và đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm bảo đảm đúng kế hoạch và tiến độ đề ra để người dân nói chung, người lao động nói riêng sớm nhận được đầy đủ gói hỗ trợ này. Cụ thể là:

Một số địa phương còn chậm trong công tác triển khai, chưa quan tâm đúng mức và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Ở nhiều địa phương, công tác rà soát kéo dài do quá thận trọng, cầu toàn dẫn đến việc người dân khó khăn nhưng chậm nhận được tiền hỗ trợ dẫn đến làm giảm ý nghĩa của chính sách. Đó là chưa kể đến sự thiếu thống nhất giữa các ban, ngành địa phương liên quan đến việc phân nguồn tài chính hoặc do sự eo hẹp tài chính dẫn đến sự “lưỡng lự” trong triển khai, nhất là đối với các địa phương phải cân đối từ 30 - 50% ngân sách theo Nghị quyết 42.

Việc triển khai cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động từ Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được doanh nghiệp mặn mà đón nhận, một phần do điều kiện thủ tục phức tạp, một phần các doanh nghiệp đã bắt đầu quay trở lại hoạt động sản xuất, đồng thời có tâm lý e ngại về uy tín doanh nghiệp và tính toán về hiệu quả, mức vay từ các ngân hàng thương mại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc rà soát đối với đối tượng lao động tự do đang gặp nhiều khó khăn vì điều kiện cư trú của số đối tượng này không ổn định, rõ ràng, khó xác minh. Mặt khác, số đối tượng này đã bắt đầu đi tìm việc trở lại. Việc chi hỗ trợ nhóm đối tượng này mới chỉ dừng lại ở khâu rà soát danh sách, nên việc chi hỗ trợ chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Ở một số địa phương đã có biểu hiện của bệnh thành tích, vận động người dân từ chối không nhận hỗ trợ, cũng có nơi cán bộ địa phương đưa người nhà vào danh sách hộ nghèo để nhận hỗ trợ nhằm trục lợi. Những biểu hiện này cần được chấn chỉnh đến các cấp chính quyền, đồng thời xử lý nghiêm để không tái diễn trong các bước triển khai tiếp theo.

Để thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, một mặt cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, mặt khác cần minh bạch, nâng cao hơn nữa nhận thức và sự quyết liệt của các cấp chính quyền, tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của người dân và Mặt trận Tổ quốc để tổng thể các nhóm đối tượng được kịp thời thụ hưởng chính sách trong lúc khó khăn. Bởi đây là gói hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn, nếu trong lúc khó khăn người dân chậm nhận được hỗ trợ thì sẽ làm giảm đi vai trò và ý nghĩa của một chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước.