Nước rút hoàn thiện chọn sách giáo khoa lớp 1

Theo Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mặc dù dịch bệnh kéo dài khiến các trường phải ngừng việc dạy học, nhưng tiến độ chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình mới từ năm học 2020 - 2021 vẫn bảo đảm.

Các nhà trường khi lựa chọn sách giáo khoa đều quan tâm xem xét nội dung sách. Ảnh: TTXVN
Các nhà trường khi lựa chọn sách giáo khoa đều quan tâm xem xét nội dung sách. Ảnh: TTXVN

Bảo đảm tiến độ

Ước tính, năm học mới sẽ có khoảng 63.000 lớp 1 và 70.000 giáo viên được phân công dạy lớp 1 với bộ SGK mới. Theo Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông đã được Bộ GD&ĐT công bố ngày 30-1-2020, các cơ sở giáo dục phổ thông phải công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất bốn tháng.

Có năm bộ SGK lớp 1 mới đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để các cơ sở giáo dục lựa chọn, trong đó có bốn bộ sách thuộc về NXB Giáo dục Việt Nam:

Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Còn bộ sách Cánh diều là sản phẩm hợp tác của ba đơn vị: NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam.

Đến thời điểm này, đã có 63 địa phương chọn xong SGK lớp 1 và gửi báo cáo về Bộ. Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học: “Có thể khẳng định 100% các sở GD&ĐT đã hoàn thành lựa chọn SGK và gửi tổng hợp về Bộ đúng thời gian quy định”. Báo cáo gửi về cho thấy, tất cả đầu SGK đều được lựa chọn. Mỗi địa phương chọn ít nhất từ ba bộ sách trở lên, trong đó nhiều địa phương chọn các đầu SGK của cả năm bộ đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Theo thông tin từ đơn vị xuất bản bộ SGK Cánh diều, thì 100% số trường ở tỉnh Long An chọn toàn bộ chín cuốn của bộ SGK này. Ở tỉnh Sơn La, 100% số trường chọn SGK năm môn: Toán, Đạo đức, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm. Ở Phú Thọ, 100% số trường chọn SGK bốn môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội và Giáo dục thể chất. Ở Thái Nguyên, 100% số trường chọn SGK ba môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội. Ở tỉnh Nam Định, 100% số trường chọn SGK hai môn Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội...

NXB Giáo dục Việt Nam (đơn vị có tới bốn trong số năm bộ SGK lớp 1 được phê duyệt) cho biết, đã nhận kết quả lựa chọn sách của 22 tỉnh, thành phố gửi đến, với tỷ lệ bình quân chọn đạt gần 80%.

Về tình hình lựa chọn SGK trên cả nước, ông Thái Văn Tài cho biết, trong thời gian dịch Covid-19, song song với việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình cho học sinh, các trường tiểu học đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu SGK lớp 1 và tiến hành các bước lựa chọn theo quy trình. Các tỉnh, thành phố cũng ban hành tiêu chí lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, đúng thời gian quy định.

Tuy nhiên, tại các trường vùng cao, việc lựa chọn SGK còn nhiều khó khăn. Thầy Bùi Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú tiểu học Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ (Hà Giang) cho biết: Năm học 2020 - 2021, trường sẽ đón khoảng 106 học sinh vào lớp 1 học theo chương trình và SGK mới. Thời gian qua, năng lực nhà giáo nói chung đã được nâng lên, song một bộ phận không nhỏ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thật sự tốt. Như vậy, khi chọn SGK cũng khó tránh khỏi tình trạng theo cảm tính (dựa vào năng lực giảng dạy, sự phù hợp với học sinh địa phương mà giáo viên dạy).

Việc đánh giá dựa vào chương trình

Có thể thấy từ năm học tới, mỗi quận, huyện của Hà Nội và một vài tỉnh, thành phố khác sẽ có nhiều SGK khác nhau. Câu hỏi đặt ra là công tác quản lý chuyên môn của cấp phòng, sở GD&ĐT sẽ thế nào?

Bà Phan Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: “Trong một trường có thể sử dụng SGK từ nhiều bộ khác nhau nên quản lý sẽ phải thay đổi, không thể bám sát vào một bộ như lâu nay mà phải bám vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình từng môn, từng lớp học”. Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cũng cho biết, khi có nhiều SGK, dù trường chọn sách nào để giảng dạy thì đó cũng chỉ là tài liệu dạy học chứ không phải là “pháp lệnh” như quan điểm trước đây. Do vậy, việc đánh giá giờ dạy của giáo viên phải theo chương trình chứ không theo cuốn SGK nào cả. “Tương tự như vậy, kiểm tra, đánh giá học sinh cũng cần tránh bám vào SGK cụ thể để ra đề, nhất là đối với những cuộc thi vượt khỏi cấp trường. Có như vậy cả người dạy và người học mới yên tâm về việc mỗi trường lựa chọn một cuốn/bộ SGK khác nhau”, ông Vũ nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình khẳng định: “Chúng tôi sẽ phải thuộc từng cuốn SGK, trường nào sử dụng sách nào. Tuy nhiên, đây là cơ hội rất tốt để các trường phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xây dựng tốt hơn kế hoạch giáo dục riêng của từng trường, phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh”, ông Thuận chia sẻ.

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng nhiều lần khẳng định, khi có nhiều SGK thì việc kiểm tra, đánh giá sẽ căn cứ vào chương trình chứ không ra đề theo bất cứ SGK nào.