Nỗi niềm xích-lô

Đã một năm qua, phố cổ Hà Nội thưa thớt những chiếc xích-lô vì đại dịch Covid-19. Ánh mắt mòn mỏi chờ khách, những câu mời chào không được hồi đáp, tiếng thở dài vì những cuốc xe trống… Đó là thực tế chung của những người đạp xe xích-lô hiếm hoi còn trụ lại trước thềm năm mới.

Người đạp xích-lô ở phố cổ Hà Nội gặp khó vì dịch Covid-19.
Người đạp xích-lô ở phố cổ Hà Nội gặp khó vì dịch Covid-19.

Khó khăn đủ đường

Ông Hoàng Phúc Tài (71 tuổi), một người đạp xích-lô quê Xuân Trường (Nam Định), chia sẻ: “Tôi ra Hà Nội làm nghề này đã hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ gặp hoàn cảnh khó khăn như hiện tại. Trước dịch, mỗi ngày chạy xe xích-lô theo tour của các văn phòng du lịch và chạy ngoài cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, có ngày cao điểm là hơn 300 nghìn đồng. Nhưng suốt hơn một năm qua, thu nhập mỗi ngày may mắn lắm thì được gần 100 nghìn đồng, thậm chí có lúc vài ngày không được một cuốc xe”.

Phần lớn những người đạp xích-lô tại Hà Nội là người lao động đến từ một số tỉnh, thành phố lân cận như Nam Định, Hải Dương hoặc miền trung. Trong đó, số ít người trẻ tuổi nhất cũng đã hơn 50, còn lại đa phần ở tuổi nghỉ hưu, sức khỏe kém nên khó xin việc. Ngoài ra, không ít người quê ở miền trung có hoàn cảnh rất khó khăn. Bởi vậy, họ chỉ có thể gắn bó nghề chạy xích-lô để mưu sinh. Nhưng không giống địa phương khác, xích-lô tại phố cổ Hà Nội hiếm khi chở hàng hóa và chở hành khách đi xa, mà chỉ phục vụ khách du lịch trong khu vực trung tâm. Bởi vậy, sự “đóng băng” của ngành du lịch hơn một năm qua giống như một đòn giáng mạnh vào thu nhập vốn đã ít ỏi của họ và gia đình.

Những người còn chút sức khỏe và có tay nghề khác thì đã gửi xe xích-lô về quê, chuyển sang làm thợ xây, thợ hồ, bốc vác chờ ngày hết dịch quay lại… Những người còn ở lại đều là người cao tuổi như ông Tài. “Trước nhờ có nghề đạp xích-lô, tôi vẫn kham được sinh hoạt cho gia đình ở quê, lo cho ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Nhưng một năm trở lại đây, hầu như không có khách du lịch nữa, mà anh em xích-lô muốn kiếm khách đi lại trong nội thành thì làm sao cạnh tranh được với xe ôm công nghệ, xe taxi. Chở hàng hóa thì chắc chắn không nổi vì sức khỏe kém mà cũng không ai thuê. Năm hết Tết đến mà cũng không thể và không muốn về sớm, cố nán lại thành phố kiếm được đồng nào hay đồng đó, chứ giờ chúng tôi lớn tuổi rồi, bỏ nghề này thì biết làm gì”, ông Tài tâm sự.

Tết chưa no, nhưng ấm tình người

Câu chuyện trụ lại thành phố những ngày cuối năm với hy vọng kiếm chút tiền mua gói bánh, tấm áo về quê dường như cũng không mấy sáng sủa. Thu nhập mỗi ngày một ít đi, trong khi chi phí ăn ở chẳng giảm, thậm chí còn tăng. Theo lời kể của ông Ngô Văn Khánh (67 tuổi), người đạp xích-lô quê Hải Hậu (Nam Định) cho hay: “Để tiện đi lại, anh em chủ yếu thuê nhà ở khu An Dương, Phúc Tân. Chi phí điện nước, nhà ở vào khoảng 5 triệu đồng/phòng/tháng nên để tiết kiệm, đa số anh em ở chung 6 - 10 người/phòng tùy diện tích. Đặc thù công việc chúng tôi là sáng đi sớm tới tối muộn mới về nên gặp đâu ăn đó, cơm đường cháo chợ. Dịch dã chẳng có nguồn thu, chi phí thuê nhà và điện nước bỗng trở thành gánh nặng, các tháng trước đây nhiều người đã phải xin khất chủ nhà. Nhưng cuối năm không ai cho nợ, ăn uống ít quá thì không đủ sức làm, rồi còn lo tiền Tết mang về đỡ đần gia đình… Càng gần Tết, ai cũng chỉ mong mỗi ngày trừ hết chi phí, dành dụm được… 20 nghìn đồng thôi là mừng lắm. Mong sao năm tới đại dịch sớm kết thúc để thu nhập và cuộc sống ổn định trở lại”.

Khó khăn là thế, nhưng không ít người sẽ ngạc nhiên khi lắng nghe chia sẻ của những người đạp xích-lô già. Họ đều thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch. Nhưng không một ai trong số được hỏi có ý định nhận trợ cấp, hoặc nếu có thì họ lựa chọn dùng số tiền đó theo cách hết sức nhân văn. “Tôi và gia đình nhất trí rằng mình vẫn còn có việc để mưu sinh, nên nhất định không nhận và nhường cho người nghèo hơn. Không ít người còn làm hồ sơ xin hỗ trợ và quyên góp một phần tiền cho các anh em đạp xích-lô có hoàn cảnh khó khăn hơn, những người phải bỏ nghề về quê. Trước đó, anh em chúng tôi cũng quyên góp được một số tiền dù ít ỏi, đã gửi vào ủng hộ người dân miền trung. Mình tuy vất vả thật nhưng vừa dịch, vừa thiên tai thế này, người dân miền trung còn khổ hơn nhiều”, cả ông Tài và ông Khánh cùng tâm sự.

Có lẽ Tết năm nay của ông Tài, ông Khánh cùng gia đình khó được no đủ so những năm trước. Nhưng rõ ràng, đại dịch Covid-19 không thể làm thay đổi tấm lòng “tương thân tương ái” trong mỗi con người họ. Ngày xuân vẫn sẽ ấm áp tình người, từ chính nghĩa cử tốt đẹp của những người đạp xích-lô.