Nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt

Ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh hiện đại hóa hoạt động xe buýt nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia loại hình vận tải hành khách công cộng chủ lực này. Theo đó, nhiều nhóm giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ.

Ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang tập trung đẩy mạnh chất lượng dịch vụ xe buýt.
Ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang tập trung đẩy mạnh chất lượng dịch vụ xe buýt.

Người dân đi xe buýt giảm

Là người gắn bó với xe buýt gần 15 năm qua, ông Bạch Ngọc Lâm (trú tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đi xe buýt rất tiện lợi, nhưng mấy năm qua hệ thống xe buýt xuống cấp nên tôi đã bỏ không đi nữa. Gần đây, tôi trở lại đi xe buýt bởi hệ thống phương tiện này đã được thay mới và ứng dụng nhiều tiện ích cho hành khách”.

Theo thống kê từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 128 tuyến xe buýt, trong đó có 91 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến 2018, lượng hành khách đi xe buýt giảm trung bình 6,65%/năm. Riêng năm 2019 giảm tới hơn 12% so năm 2018. 

Cũng theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng quản lý Dịch vụ vận tải đường bộ (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh), chỉ tiêu kế hoạch về khối lượng vận tải hành khách công cộng của cả năm 2020 là 695,2 triệu lượt hành khách. Trong đó, kế hoạch khối lượng vận chuyển của các tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá là 189 triệu lượt hành khách. Tuy nhiên, kết quả sáu tháng đầu năm nay, khối lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt chỉ đạt 57,32 triệu lượt hành khách, giảm 45% so thực hiện cùng kỳ năm 2019 và đạt 21% so kế hoạch 275,2 triệu lượt hành khách của cả năm 2020.

Nguyên nhân khiến xe buýt hoạt động chưa hiệu quả do thiếu cơ sở hạ tầng, việc bố trí các tuyến chưa hợp lý để kết nối thu hút người dân sử dụng. Cùng với đó, sự phát triển của xe ứng dụng công nghệ cạnh tranh trực tiếp với xe buýt nhờ sự tiện lợi, cơ động và chi phí chỉ gần bằng đi xe buýt. Theo ông Đỗ Ngọc Hải, hệ thống xe buýt tại TP Hồ Chí Minh hoạt động chưa như mong muốn là do cơ sở hạ tầng còn hạn chế khi thành phố hiện có khoảng 70% tuyến đường xuyên qua các khu đông dân cư có chiều rộng dưới 5 m, dẫn đến khó tổ chức chạy xe buýt; khoảng 33% số xe buýt đã sử dụng được 10 năm, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Hơn nữa, việc thu hút các nguồn lực xã hội tham gia kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng còn hạn chế. Một số tuyến dù được trợ giá nhưng vẫn không đủ trang trải hoạt động. Thành phố chưa có cơ chế khuyến khích, ưu đãi các đơn vị vận tải đẩy nhanh việc thay mới phương tiện. Thêm một nguyên nhân, từ đầu năm nay đến nay số lượng người đi xe buýt cũng giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Ông Nguyễn Văn Lèo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn của đơn vị là đến nay đơn trợ giá chưa có, thu không đủ bù cho việc đóng lãi vay ngân hàng đầu tư xe, chi phí xăng dầu, trả lương nhân viên, gây thua lỗ. “Đến hôm nay đơn trợ giá chưa có, nợ nần chồng chất, chúng tôi phải vay tiền để trả tiền dầu, không có tiền để trả lương cán bộ, công nhân viên. Bây giờ làm ăn phải cầm chừng, vay ngân hàng không có tiền đóng lãi nên rất khó khăn. Công ty đang chờ trung tâm, Sở GTVT có hướng đề xuất tiền trợ giá để đủ vận hành, nếu không thì bỏ chứ không thể chạy nổi nữa”, ông Nguyễn Văn Lèo giãi bày.

Quyết tâm lấy lại hình ảnh xe buýt

Góp ý về giải pháp, PGS, TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông vận tải đô thị cho rằng, các nước tiên tiến đều áp dụng mô hình quản lý chính quyền giao thông đô thị. Do đó, hệ thống xe buýt TP Hồ Chí Minh cần cải tổ một cách toàn diện, chứ không nên đầu tư chắp vá như hiện nay. Nếu có một tổ chức tốt, khoa học, làm việc có hiệu quả tự khắc những vấn đề về hạ tầng, văn minh sạch sẽ, thái độ nhân viên… sẽ được giải quyết hết. “Theo tôi, ngành vận tải công cộng phải có hệ thống chính quyền giao thông đô thị. Tổ chức theo mô hình này thì mới có đơn vị chịu trách nhiệm và mới có nguồn vốn. Từ đó, liên thông các loại hình xe buýt cho đến các loại phương tiện giao thông công cộng”, PGS, TS Phạm Xuân Mai nêu ý kiến.

Để tạo thuận lợi cho người dân đi xe buýt, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đang thực hiện ba giải pháp chính gồm: Tăng cường cơ sở hạ tầng cho xe buýt; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xe buýt và đấu giá tuyến xe buýt để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư xe mới, tuyến mới, thay vì trợ giá mà các doanh nghiệp vẫn không đủ chi phí hoạt động như hiện nay.

Về tăng cường cơ sở hạ tầng cho xe buýt, ông Đỗ Ngọc Hải cho biết, Sở đang tiếp tục hoàn thành các dự án bến, bãi xe buýt, điểm đầu mối trung chuyển hành khách tại huyện Nhà Bè (rộng 19.000 m²); xây dựng Bến xe buýt Hóc Môn (rộng hơn 10.000 m²); bến xe buýt tại huyện Bình Chánh (gần 14.000 m²)... Ngoài ra, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng đang đề xuất bảy dự án cải tạo nâng cấp các điểm dừng xe buýt trên địa bàn quận, huyện theo hướng hiện đại.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, Sở GTVT thành phố vừa triển khai ứng dụng Go!bus nhằm cung cấp thông tin hoạt động của xe buýt theo thời gian thực qua internet. Khi cài đặt và sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị cầm tay thông minh, người dân sẽ biết chính xác hiện trạng hoạt động của từng xe buýt. Theo đó, ứng dụng sẽ cho biết biển số xe và thời gian xe tới điểm đón xe, tránh việc người dân phải đứng chờ mà không biết xe buýt còn chạy hay không. Là người sử dụng ứng dụng này, bạn Nguyễn Thị Hải Yến, sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Giờ đi xe buýt tiện như gọi xe công nghệ. Tôi biết trước giờ xe đến, điểm chờ, giá tiền và thời gian đi xe”.

Về tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt thay cho trợ giá, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai sáu đợt đấu thầu, dự kiến tiến hành trong quý III - 2020. Các tuyến xe buýt được đưa ra đấu thầu nằm trong kế hoạch rà soát, sắp xếp lại mạng lưới tuyến cho phù hợp, giảm trùng lặp và tăng độ bao phủ xe buýt trên địa bàn thành phố. Dự kiến, Sở sẽ đấu thầu khoảng 40 tuyến, chính sách về giá vé cũng sẽ linh hoạt để quản lý tốt và hiệu quả.

Để tiếp tục phát triển xe buýt trở thành phương tiện vận chuyển hành khách công cộng hữu hiệu, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện “Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân” vừa được HĐND thành phố thông qua. Cụ thể, nâng khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân lên 15% vào năm 2025 và 25% vào năm 2030. 

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố sẽ thực hiện 17 nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng như: Phát triển mạng lưới xe buýt đến năm 2030; thiết lập một tuyến xe buýt nhanh BRT; phát triển hệ thống xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ ngồi; bố trí làn đường riêng cho xe buýt, giảm dần phương tiện cá nhân… “Ngoài ra, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng đang hoàn chỉnh tiêu chuẩn thẻ vé dùng chung cho các loại giao thông công cộng để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho hành khách”, ông Trần Quang Lâm thông tin.

Theo “Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân”, giai đoạn 2021 - 2025, mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt, bảo đảm kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải khách khối lượng lớn, các phương thức vận tải khác. Giai đoạn 2026 - 2030, ưu tiên phát triển, đầu tư các phương thức vận tải khối lượng lớn, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân và các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai đồng bộ, tiến tới tổ chức lại lưu thông mô-tô và xe gắn máy hai, ba bánh tại một số khu vực. Kinh phí thực hiện, dự kiến giai đoạn 2021 - 2030 là 393.792 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư 47.644 tỷ đồng.