Năm học mới, nhiều đổi mới thiết thực

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa gửi thư cho ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 - 2020. Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện… Chuẩn bị cho năm học mới này, ngành giáo dục đã có những đổi mới thiết thực.

Chính sách đối với đội ngũ giáo viên đã có nhiều thay đổi khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực. Ảnh: ANH HẢI
Chính sách đối với đội ngũ giáo viên đã có nhiều thay đổi khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực. Ảnh: ANH HẢI

Không ngừng xây mới phòng học

Vấn đề quá tải trường, lớp vẫn luôn “nóng” tại các thành phố lớn trước thềm năm học mới. Để giải quyết, chính quyền các địa phương đã dành thêm quỹ đất xây mới trường học. Tại Hà Nội, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, năm học 2019 - 2020, tuy số học sinh (HS) vào lớp 6 chỉ tăng 2.000 em, HS vào lớp 10 giảm 4.000 em so năm trước nhưng tổng thể vẫn tăng hơn 25.000 HS. Có nghĩa tình trạng quá tải vẫn chưa thể giải quyết được. Đặc biệt, số lượng HS vào lớp 1 năm học 2019 - 2020 vẫn tăng khoảng 30.000 em so số lượng học sinh lớp 5 vừa chuyển cấp. Tháo gỡ dần, trên từng địa bàn quận, huyện, đặc biệt ở những quận mới, việc xây mới trường học luôn được ưu tiên.

Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, đây là quận có tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở Hà Nội những năm gần đây. Thống kê ban đầu cho thấy năm học này, Hà Đông tăng hơn 6.000 HS các cấp học. Quận xây thêm được ba trường mới và năm đơn nguyên ở các khu đô thị như Xa La, Văn Phú, Vạn Phúc, Phú Lương, La Khê... Còn ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho biết, năm học 2019 - 2020, số HS đầu cấp của quận tăng 2.500 em, rải đều ở các cấp học. Quận Thanh Xuân đưa vào sử dụng thêm năm trường học mới. Ngoài ra, một số trường cũng được cải tạo, bổ sung nhiều phòng học. Chủ trương của quận là nhằm giảm từ hai đến ba HS ở mỗi lớp trong năm học mới, bảo đảm sĩ số tối đa của mỗi lớp là 50 HS, tiến tới chấm dứt hiện tượng quá tải ở một số trường.

Thống kê của HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, hiện nay trên địa bàn thành phố có 2.711 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT với 65.818 phòng học, 57.837 nhóm lớp với gần hai triệu HS, bình quân 34 HS/lớp. Trước thềm năm học mới, thành phố đã xây dựng 67 trường học (34 trường thành lập mới) với tổng kinh phí khoảng 3.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn thành phố đã cải tạo 407 trường học các cấp với tổng số tiền 5.200 tỷ đồng; mua sắm các trang thiết bị chuẩn bị cho năm học với tổng số tiền hơn 745 tỷ đồng.

Năm học mới, nhiều đổi mới thiết thực ảnh 1

Trước thềm năm học mới, nhiều trường học đã được cải tạo nâng số phòng học. Ảnh: NG.ANH

Thay đổi chính sách đối với đội ngũ giáo viên

Luật Giáo dục (sửa đổi) mới có hiệu lực, đáng lưu ý, chính sách đối với đội ngũ giáo viên (GV) đã có nhiều thay đổi. Thứ nhất: Thay đổi về quy định chuẩn trình độ đào tạo với GV mầm non, tiểu học và THCS. Theo đó, GV mầm non trước đây chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp (TC), thì nay là cao đẳng (CĐ); GV tiểu học chuẩn đào tạo từ TC nâng lên thành đại học (ĐH); GV THCS chuẩn đào tạo từ CĐ nâng lên thành ĐH. Như vậy, tới đây, toàn bộ hệ thống GV phổ thông đều có chuẩn trình độ đào tạo là ĐH. Thứ hai: Nếu trước đây, các chuẩn nghề nghiệp GV, cán bộ quản lý giáo dục chưa được nói đến một cách tường minh trong các văn bản quy phạm pháp luật, thì nay nội dung này được đưa vào Luật. Thứ ba: Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được hưởng phụ cấp ưu đãi phù hợp với đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Năm học mới, theo đề án cải cách chính sách tiền lương, GV sẽ không có bảng lương riêng. Mức lương được trả theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, bảng lương mới hiện nay đang được xây dựng, tinh thần là mức lương được trả theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp. Dự kiến cách tính lương mới sẽ không còn khái niệm lương cơ bản mà sẽ là lượng tiền khởi động ban đầu có một mức, sau đó quy ra các mức cao hơn. Cách đưa ra bậc lương ban đầu bằng lượng tiền cùng các hệ số và được nâng lên bởi trình độ đào tạo, sẽ thấy lương GV, đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, THCS được nâng lên so hệ thống hiện nay, nhất là với đội ngũ GV mới vào nghề. “Về phụ cấp ưu đãi, chúng tôi đang cố gắng bảo vệ mức phụ cấp ưu đãi cho ngành giáo dục ở mức cao nhất là 30% như theo dự kiến hiện nay. Bảo vệ quan điểm này từ đặc thù nghề nghiệp, khó khăn phức tạp trong nghề nghiệp một cách khoa học, logic, chứ không phải theo mong đợi cảm tính”, ông Minh nói.

Về đội ngũ GV, đến thời điểm này, việc thừa thiếu vẫn còn; GV mầm non thiếu nhiều (khoảng hơn 45.000 GV). Tuy nhiên, sau khi bổ sung thêm 20.300 GV mầm non cho 14 tỉnh có tăng trưởng nóng và năm tỉnh Tây Nguyên, đầu năm học này, ngành đã thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đã có HS phải có GV đứng lớp, dù vẫn chưa đủ định mức theo quy định. Đặc biệt, hiện nay ngành giáo dục đã có cơ sở dữ liệu về đội ngũ GV các vùng miền. Cách đây hơn một tuần, Bộ GD&ĐT đã chuyển dữ liệu này đến Bộ Nội vụ để nắm bắt nhu cầu thật của địa phương và có phương án tiếp tục đề xuất bổ sung.

Bảo đảm cơ sở vật chất, đón đầu chương trình mới

Năm học 2019 - 2020 được coi là năm bản lề, chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới đối với lớp 1. Đón đầu sự thay đổi này, theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), hiện nay, đối với cấp tiểu học, nếu tính trên đầu phòng học thì cơ bản đã đáp ứng. Tuy nhiên, cả nước mới đạt 72% của 0,96 phòng học/lớp là kiên cố hóa. Còn lại xấp xỉ 25% số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm và có một số phòng học phải đi mượn. Tình trạng này chủ yếu ở vùng miền núi phía bắc, vùng “Ba Tây” và đồng bằng sông Cửu Long.

Với tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố ở cấp tiểu học như trên thì đến năm 2020, nếu áp dụng dạy học hai buổi/ngày đối với lớp 1 thì sẽ đủ phòng học, vì thời điểm này từ lớp 2 - 5 vẫn học 1 buổi/ngày. Nhưng vấn đề đặt ra là, sau năm 2020 sẽ thiếu phòng học khi mà các khối lớp cũng sẽ học hai buổi/ngày.

Khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ xây dựng Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của các địa phương và sự hỗ trợ của T.Ư. Trên tinh thần đó, nhiều địa phương đã có phương án chuẩn bị và có cách làm hay. Chẳng hạn như các tỉnh miền núi phía bắc, nếu để đầu tư một công trình trường học thì cần rất nhiều thủ tục liên quan và nguồn kinh phí tương đối lớn. Theo đó, nhiều địa phương đã áp dụng mô hình “3 cứng”: Nền cứng, tường cứng và mái cứng, kinh phí đầu tư khoảng 30 - 40 triệu đồng là có được một phòng học kiên cố...

Hiện, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp1. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ lập danh sách mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học. Về cơ bản là kế thừa lại danh mục cũ và có bổ sung, điều chỉnh một số thiết bị dạy học mới. Chẳng hạn như: Bổ sung thêm một số thiết bị dạy về đạo đức lối sống, giáo dục giới tính để chống xâm hại hay dạy về an toàn giao thông... Thiết bị dạy học mới của lớp 1 chú trọng nâng cao chất lượng, để bảo đảm khi các địa phương mua sắm trang thiết bị có thể sử dụng được nhiều năm.

ĐẦU NĂM HỌC MỚI, QUYẾT LIỆT PHÒNG BỆNH “LẠM THU”
Nhằm hạn chế tình trạng gây nhức nhối dư luận mỗi dịp đầu năm học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng “lạm thu”. Đồng thời, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học... Nếu trường học xảy ra sai phạm thu chi, hiệu trưởng sẽ bị xử lý theo quy định.