Lợi thế của môn ngoại ngữ

Có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thí sinh không chỉ được miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia, mà còn được “ẵm” ngay điểm 10. Nhiều trường đại học (ĐH) cũng trải thảm đỏ, áp dụng chính sách tuyển thẳng với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Theo xu hướng chung trên thế giới, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ngày càng chứng tỏ lợi thế cạnh tranh trong các kỳ tuyển sinh. 

Thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển ĐH nếu có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển ĐH nếu có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Ưu tiên học sinh giỏi ngoại ngữ

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa hoàn tất Phương án thi, tuyển sinh năm 2021 và định hướng đến năm 2025 nhằm bảo đảm phù hợp bối cảnh Việt Nam và xu hướng chung trên thế giới. Theo đó, môn ngoại ngữ càng giữ vai trò nổi bật của mình. Không chỉ có mặt ở hầu hết các tổ hợp thi, ngoại ngữ còn là môn được ưu tiên trong việc xét tuyển thẳng ĐH.

Với kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, có hai đối tượng thí sinh giỏi ngoại ngữ sẽ được miễn bài thi môn này. Đó là các thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ và có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT. Với môn Tiếng Anh được nhiều người quan tâm và hầu hết học sinh phổ thông đang theo học là chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm và IELTS 4.0. Thí sinh được miễn bài thi ngoại ngữ sẽ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. 

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT chia sẻ, việc quy định miễn thi môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ quốc tế sẽ hướng học sinh tích cực đầu tư và quan tâm việc học ngoại ngữ nhiều hơn. Đặc biệt, việc học môn này không chỉ dừng trong nhà trường mà cần đạt được những kỹ năng cần thiết theo chuẩn quốc tế. Thực tế, tại nhiều trường THPT, đặc biệt các trường ở thành phố lớn có liên kết đào tạo, giảng dạy các chương trình quốc tế. Nhiều học sinh có chứng chỉ TOEFL, IELTS từ rất sớm.

Sự khuyến khích này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh và học sinh. Bạn Nguyễn Lê Khánh Linh, học sinh chuyên Anh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nói: “Với chương trình học của học sinh các khối chuyên ngữ, hết lớp 12 là đã đạt trình độ C2 hệ CEFR (Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu - một tiêu chuẩn được quốc tế công nhận để mô tả mức độ thông thạo ngôn ngữ). Với chương trình phổ thông, các bạn lớp 12 sẽ đạt trình độ B2. Vì vậy, với học sinh khối chuyên ngữ, việc miễn môn thi ngoại ngữ và tính điểm 10 bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT là rất hợp lý, có tính đến trình độ của học sinh”.

Còn bạn Nguyễn Quang Anh, học sinh Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Việc được miễn thi môn ngoại ngữ sẽ là động lực giúp chúng em chú trọng học môn này hơn và có thời gian tập trung ôn thi các môn học khác, không phải là thế mạnh của mình. Được 10 điểm môn ngoại ngữ, thí sinh sẽ có được số điểm kha khá trong tổng điểm thi!”. 

Chị Nguyễn Thu Hòa, phụ huynh học sinh ở quận Ba Đình cho biết: “Hiện, học sinh ở các thành phố lớn đều đã học ngoại ngữ từ bậc tiểu học. Chuẩn hóa trình độ ngoại ngữ quốc tế sẽ thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ bài bản hơn. Việc ưu tiên học sinh giỏi ngoại ngữ cũng khuyến khích các em coi trọng môn học này từ nhỏ. Còn tại kỳ thi THPT quốc gia vốn có nhiều môn, giảm tải được môn nào là đỡ áp lực cho học sinh môn đó!”.

Tăng cơ hội trúng tuyển ĐH

Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã đưa ra phương án tuyển sinh năm 2021. Đáng chú ý, nhiều trường tốp đầu đều đồng loạt xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế, trong đó có các loại chứng chỉ ngoại ngữ. Điểm qua các trường: ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân… đều lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL ITP, TOEFL iBT hay SAT, ACT, A-Level làm căn cứ tuyển sinh. 

Tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, tuyển sinh năm 2021 sẽ xét tuyển thẳng dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT và A-Level cho tất cả các ngành/chương trình đào tạo. Riêng đối với các thí sinh có chứng chỉ IELTS quốc tế 6.5+ (hoặc chứng chỉ Tiếng Anh khác tương đương) được đăng ký xét tuyển thẳng vào các ngành Ngôn ngữ Anh. Đối với hình thức xét tuyển theo điểm thi, thí sinh có chứng chỉ IELTS (academic) từ 5.0 trở lên hoặc tương đương có thể được quy đổi điểm thay cho điểm thi môn Tiếng Anh.

Theo PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, những chứng chỉ quốc tế này đều được sử dụng, công nhận trên toàn thế giới. Tại các hệ đào tạo tiên tiến của nhà trường, việc dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Yêu cầu đặt ra là sinh viên có thể đọc hiểu, nghiên cứu tài liệu, giáo trình phục vụ trên lớp là vô cùng quan trọng. Do vậy, sinh viên phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định đủ để theo học. Đó gần như là yêu cầu tiên quyết đối với sinh viên khi đăng ký hệ này. 

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT nhận định, hiện nay các cơ sở đào tạo được tự chủ trong việc xác định phương thức tuyển sinh như thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển. Việc các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có việc sử dụng các loại chứng chỉ quốc tế khi tuyển sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Bên cạnh đó cũng cho thấy, các trường đang chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào. Chuẩn bị kỹ càng để đầu ra đạt chuẩn quốc tế, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên.