Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Linh hoạt và an toàn

Ngày 9 và 10-8 tới đây, khoảng 900.000 thí sinh cả nước sẽ dự thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp và làm cơ sở xét tuyển đại học (ĐH). Lần đầu tiên, kỳ thi diễn ra trong mùa dịch bệnh bất thường khiến giải pháp tối ưu là làm sao phải bảo đảm sự linh hoạt giữa các địa phương có tình hình dịch bệnh khác nhau nhưng vẫn an toàn và khách quan, chính xác cho tất cả thí sinh…

Các phòng dự bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được phun thuốc khử trùng. Ảnh: TTXVN
Các phòng dự bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được phun thuốc khử trùng. Ảnh: TTXVN

Thí sinh đã sẵn sàng

Có thể nói, quyết định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại mà vẫn bảo đảm hoạt động kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là một quyết định rất khó khăn. Có ý kiến nên hủy kỳ thi, cho học sinh đặc cách tốt nghiệp. Tuy nhiên, GS, TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2016 - 2021, cho rằng: Việc thi tốt nghiệp THPT đã ghi trong Luật Giáo dục; muốn hủy, Quốc hội cần họp và ra Nghị quyết tạm hoãn Khoản 3, Điều 45 Luật Giáo dục. Với thời gian chỉ còn một tuần, điều này khó khả thi. 

Năm nay có gần một triệu học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có khoảng 70% số học sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH. Nếu không tổ chức thi, có nghĩa không có điểm thi. Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều cho khoảng 30% số học sinh dự thi tốt nghiệp THPT với mục đích chỉ cần có bằng tốt nghiệp. Trong khi đó, 70% số học sinh dự thi vào các trường ĐH lại cần có điểm thi tốt nghiệp để tham gia xét tuyển vào trường. Như vậy sẽ rất khó khăn, nếu không nói là một số trường không thể xét tuyển học sinh vào ĐH năm 2020. 

Ngoài ra, tuy dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng số đông các tỉnh, thành phố chưa phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại các tỉnh ít nguy cơ bùng phát dịch bệnh, học sinh đang tích cực ôn tập nước rút, việc chuẩn bị kỳ thi, như in sao đề, chuẩn bị phòng thi, điều động người làm nhiệm vụ thi... các địa phương cơ bản đã chuẩn bị xong và sẵn sàng tổ chức thi. Như vậy sẽ là không công bằng, ảnh hưởng tâm lý cho hầu hết học sinh nếu chúng ta chọn hình thức công nhận tốt nghiệp THPT mà không qua kỳ thi. 

Kỳ thi THPT năm 2020 toàn TP Hà Nội có 79.263 thí sinh đăng ký dự thi tại 3.326 phòng thi của 143 điểm thi; có 9.443 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, 1.448 nhân viên an ninh, trật tự viên phục vụ tại các điểm thi. Đến thời điểm này, mỗi điểm thi đều bố trí hai phòng thi dự phòng cho các thí sinh đang cách ly tập trung. Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội đã thành lập 30 đoàn kiểm tra thuộc 30 quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện phòng, chống dịch. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội cũng đã bổ sung lực lượng bảo đảm an toàn cho kỳ thi, sẵn sàng đáp ứng các tình huống xảy ra như: học sinh ốm, sốt, học sinh bị cách ly tại điểm cách ly tập trung. Các học sinh đang cách ly tập trung sẽ thi chung một điểm. Tại điểm thi cách ly trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật và trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, có biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho các thành viên của điểm thi, cho Ban vận chuyển và bàn giao đề thi như: khử khuẩn, khẩu trang, đo thân nhiệt, áo bảo hộ... Sở Y tế và Sở GD&ĐT Hà Nội đã thống nhất nội dung hướng dẫn phòng dịch và an ninh an toàn, bảo mật tại các điểm thi, theo hướng vừa hoàn thành công tác chuyên môn, vừa bảo đảm các quy định trong công tác phòng, chống dịch. 

Em Nguyễn Thu Uyên, học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Khi dịch quay trở lại, em cũng rất lo lắng vì có nhiều thông tin đề xuất hoãn thi tốt nghiệp. Đây là năm học thật đặc biệt với học sinh lớp 12 chúng em vì phải trải qua thời gian phòng dịch bệnh. Tuy nhiên, em rất tin tưởng khả năng chống dịch của Việt Nam và trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, chưa phải giãn cách xã hội nhiều địa phương, em vẫn muốn được tham gia thi tốt nghiệp THPT. Suốt thời gian qua, các thầy, cô giáo và học sinh chúng em rất nỗ lực ôn tập và thấu hiểu các biện pháp phòng dịch. Em rất muốn kỳ thi này diễn ra suôn sẻ để thực hiện ước mơ vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân của mình!”.

Em Hoàng Khánh Châu, học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng cho biết, đây là thời điểm thích hợp để học sinh lớp 12 bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT vì học sinh đã được chuẩn bị ôn luyện kỹ càng qua các đề thi minh họa của Sở GD&ĐT, trên trang web Hanoi study, ôn luyện với các thầy, cô qua zoom. Tinh thần của học sinh lớp 12 cho kỳ thi cũng đã sẵn sàng. Em mong rằng, kỳ thi bảo đảm an toàn cho sức khỏe đối với tất cả học sinh, giáo viên và những người tham gia.

Linh hoạt và an toàn -0
Phú Yên chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: TTXVN 

Tổ chức hai đợt thi, các trường ĐH linh hoạt tuyển sinh

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký Văn bản số 2873/BGDĐT-QLCL gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo văn bản này, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020, Bộ GD&ĐT hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT (kỳ thi) năm 2020 như sau:

Các địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 (như TP Đà Nẵng và một số huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam) lùi thời gian tổ chức kỳ thi vào thời điểm thích hợp; thời gian tổ chức thi do các địa phương đề xuất sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi.

Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi theo kế hoạch (từ ngày 8 đến 10-8-2020) khi bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT. Để bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh trong quá trình tổ chức kỳ thi (từ ngày 8 đến 10-8-2020), các thí sinh thuộc diện F1, F2 cả nước (nếu có) sẽ dự thi cùng thời gian với thí sinh của các địa phương phải lùi thời gian tổ chức kỳ thi do phải thực hiện cách ly xã hội.

Thí sinh dự kỳ thi tổ chức sau ngày 10-8-2020 nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh vào đại học, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, trên tinh thần tự chủ đại học.

Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể triển khai tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và cán bộ, giáo viên làm công tác thi; chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi tại địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, đúng Quy chế thi; chủ động rà soát, phân loại những thí sinh thuộc diện F1, F2 (nếu có), gửi danh sách về Bộ GD&ĐT trước ngày 12-8-2020.

Dịch Covid-19 khiến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có những thay đổi theo hướng đơn giản hơn. Chính vì thế, lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ khiến xã hội không khỏi lo lắng về chất lượng đầu vào.

Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh và các trường ĐH trong công tác tuyển sinh, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường ĐH, CĐ trên tinh thần tự chủ ĐH xem xét điều chỉnh các phương án xét tuyển sinh và đề án tuyển sinh đã công bố, trong đó cần bảo đảm tăng cường các phương thức xét tuyển đa dạng, xét tuyển nhiều đợt trong năm tuyển sinh, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.

Đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT, các trường dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định để xét tuyển đối với các thí sinh thuộc diện F1, F2 và các thí sinh tại các địa phương có nguy cơ cao về dịch Covid-19 chưa tham gia được kỳ thi tốt nghiệp THPT (thi từ ngày 8 đến 10-8-2020).

Ngoài ra, các trường cần công bố công khai để thí sinh biết và an tâm về cách phân bổ chỉ tiêu các đợt hợp lý. “Nguyên tắc chung là bảo đảm tính công bằng giữa các thí sinh về điều kiện được xét tuyển và chất lượng đầu vào nguồn tuyển sinh”, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.