Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bảo lưu dịch vụ

Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã gửi công văn đến Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch bảy tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Hải Phòng về việc liên kết hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lữ hành giai đoạn dịch Covid-19 tái phát. 

Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bảo lưu dịch vụ

Trước đó, đơn vị này nhận được phản ánh của các DN về tình trạng khách yêu cầu hủy tour tại các địa phương, các điểm đến, gây áp lực và khó khăn cho các đơn vị. Để chia sẻ, hỗ trợ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh du lịch của Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội đề nghị Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố tạo điều kiện, vận động các DN, đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn cùng chia sẻ thiệt hại thông qua các hình thức: Bảo lưu tour, bảo lưu dịch vụ đến thời điểm thích hợp, không phạt hủy hoặc có thể hoàn lại chi phí cho các DN lữ hành. 

Hiện, một số DN kinh doanh du lịch của Hà Nội đã được các địa phương bảo lưu lượng đặt phòng, đặt tour, kéo dài đến tháng 8, thậm chí là tháng 12. Những hỗ trợ này đã giúp cho các đơn vị giảm bớt gánh nặng kinh tế, thiệt hại về tài chính khi khách du lịch yêu cầu hoàn, hủy tour.

Bốn người tử vong do ngộ độc thực phẩm trong tháng 7-2020

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7-2020, cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 122 người bị ngộ độc, trong đó có bốn người tử vong. Tính chung bảy tháng năm 2020, cả nước xảy ra 50 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.209 người bị ngộ độc, trong đó có 19 người tử vong.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa tốt. Mặt khác, điều kiện kinh tế khó khăn và thói quen đơn giản của người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm cũng như các yếu tố thuận lợi về thời tiết, môi trường đã tạo điều kiện xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.