Đường tránh Chư Sê nứt gãy sâu hơn

Chỉ sau vài trận mưa lớn những ngày đầu tháng 9 vừa qua, đường Hồ Chí Minh tuyến tránh thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã bị sụt lở nghiêm trọng nhiều đoạn. Đáng chú ý, tuyến đường này chỉ mới hoàn thành trong tháng 6, hiện vẫn chưa nghiệm thu, bàn giao để đưa vào sử dụng.

Vết nứt lớn xuất hiện sau trận mưa trên tuyến đường có chi phí 250 tỷ đồng vừa mới hoàn thành.
Vết nứt lớn xuất hiện sau trận mưa trên tuyến đường có chi phí 250 tỷ đồng vừa mới hoàn thành.

Chỉ ít ngày mà thêm nghiêm trọng

Được khởi công từ giữa tháng 5-2018, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án (QLDA) 6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng chiều dài hơn 10,8 km.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, khu vực các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng có mưa lớn kéo dài. Đặc biệt, từ ngày 23-8 đến 3-9, tại địa bàn huyện Chư Sê xảy ra nhiều trận mưa rất lớn, kéo dài, một số đoạn tuyến trên dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai (Km10+200 - Km10+300) có hiện tượng nền đường ngậm nước, phát sinh hư hỏng nền, mặt đường.

Cụ thể, trong hai ngày 2 đến 3-9, tuyến đường xuất hiện tình trạng sụt lở trong phạm vi khoảng 50 m thuộc địa phận thôn 4, xã Ia Pal, huyện Chư Sê. Các vết nứt lớn nhỏ nối tiếp nhau chạy dọc thân khiến nền đường nghiêng hẳn về một phía. Đến chiều ngày 4-9, tình trạng sụt lở tiếp tục lan rộng ra phạm vi gần 200 m. Có đoạn, đường như bị nứt đôi, rộng tới 50 cm, sâu hơn 1 m. Đáng chú ý, vết nứt gãy tụt thẳng đứng xuống trong phạm vi 40 m và ngày càng sâu thêm, tính đến sáng 6-9 vết nứt sâu nhất đo được là 1,2 m, tăng gần 80 cm so ngày đầu phát hiện.

Ban quản lý có một phần trách nhiệm

Ban QLDA 6 và đơn vị tư vấn thiết kế (liên danh Công ty CP tư vấn thiết kế cầu đường thuộc TEDI và Công ty CP tư vấn thiết kế 8) đã mời một số chuyên gia đầu ngành về địa chất vào kiểm tra hiện trường. Kết quả kiểm tra sơ bộ thấy có điểm lạ thường trong vị trí nứt gãy. Bình thường sụt trượt võng xuống ở giữa thì hai bên sẽ vồng cao lên, nhưng tại khu vực này nứt gãy theo phương thẳng đứng, nền hai bên vẫn bình thường, nhận định do địa chất phức tạp.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, qua tìm hiểu từ những người dân sinh sống chung quanh cho thấy, trước đây khu vực này có ba ao nước sâu từ 4 - 5 m, gần đó có suối, nước ngầm để tưới cà-phê. Dù các ao này đã được lấp gần 10 năm, bề mặt phía trên bằng phẳng nhưng dưới sâu có thể đã hình thành túi bùn. Khi mưa to, khối lượng nước lớn dồn dập tạo áp lực khiến nền đất bị lún, sinh ra nứt gãy thẳng đứng trên bề mặt đường.

Hiện Ban QLDA 6 đang tổ chức đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu, Cục Quản lý đường bộ 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), Sở GTVT Gia Lai trực hiện trường phân luồng, hướng dẫn, bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông trong phạm vi từ nút giao QL25 đến nút giao cuối tuyến QL14. Để xác định chính xác nguyên nhân, Ban QLDA 6 cũng đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương khảo sát bổ sung về địa hình, khoanh vùng bị ảnh hưởng nhằm khoan khảo sát địa chất và tính toán thủy văn, hoàn thành trước ngày 18-9 để báo cáo lên Bộ GTVT hướng xử lý. Dự kiến, sẽ có 12 mũi khoan thăm dò tại vị trí bị nứt dài 130 m này. Phần kinh phí khắc phục hiện do bảo hiểm chi trả, nếu phát sinh sẽ do nhà thầu đảm nhận do dự án chưa nghiệm thu.

“Sau khi xác định chính xác nguyên nhân, liên quan đến trách nhiệm của tư vấn thì tư vấn phải chịu, nhưng ban cũng chịu một phần trách nhiệm”, ông Nguyễn Hữu Long, Tổng Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết.

Được biết, đoạn đường xảy ra sụt lún nằm tại gói thầu số 10 do Công ty cổ phần 471 (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông IV) thi công với giá trị hợp đồng hơn 71 tỷ đồng. Đây là gói thầu lớn nhất của dự án, chiếm 40% tổng giá trị xây lắp toàn dự án. Hiện Ban QLDA 6 đã chỉ đạo Công ty cổ phần 471 chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, máy móc, thiết bị để huy động thực hiện ngay khi có giải pháp xử lý được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Đáng chú ý, quá trình lập hồ sơ thiết kế dự án, tư vấn đã khoan 20 mũi thăm dò địa chất (theo quy định mỗi mũi khoan cách nhau 500 m) trên toàn dự án, nhưng vị trí xảy ra nứt gãy lại không được khoan thăm dò. Thực tế này đặt câu hỏi về trách nhiệm thực hiện của đơn vị nào chưa đến nơi đến chốn?