Cần thay đổi suy nghĩ về hiến tạng

Nhớ lại giây phút quyết định hiến tặng những phần cơ thể con trai mình để cứu sống những người bệnh khác, bà Cấn Thị Ngần (52 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) chưa một lần hối tiếc. Dù, mỗi khi nhắc chuyện cũ, mắt bà Ngần vẫn rưng rưng, “đó là quyết định khó khăn nhất đời tôi!”. Nhờ những phút kiên cường, dũng cảm của người mẹ ấy, những cuộc sống khác được hồi sinh!

Chị Trần Thị Hậu và mẹ Ngần trong cuộc hội ngộ tại Hà Nội ngày 30-11.
Chị Trần Thị Hậu và mẹ Ngần trong cuộc hội ngộ tại Hà Nội ngày 30-11.

“Mẹ đã sinh ra con lần nữa…”

Chị Trần Thị Hậu (Lạng Sơn) mang trong mình phần cơ thể của anh Trịnh Đình Vàng, con trai út của bà Ngần. Anh Vàng bị rơi từ lan-can, các bác sĩ xác định bị chết não, không thể cứu chữa. Trong cơn đau đớn tưởng như muốn chết đi theo con, bà Ngần đã ra một quyết định dũng cảm, và bất ngờ với những người trong gia đình và ngay cả với chính bản thân: quyết định hiến các phần cơ thể của con mình để cứu mạng những người khác. Lời đồn thổi ở quê, dù có ác ý, cũng không quan trọng bằng chuyện cứu người.

Tháng 7-2017, ca ghép đa tạng do các bác sĩ Bệnh viện (BV) Quân y 103 thực hiện thành công. Năm người bệnh, trong đó có chị Hậu, được cứu sống nhờ nhận những phần cơ thể của anh Vàng. Chị Hậu muốn tìm thông tin về người hiến tặng, để cảm tạ, nhưng các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 không cho biết thông tin nơi ở của gia đình bà Ngần theo quy định của Luật cho, hiến tạng. Đến giữa năm 2018, chị Hậu mới gặp, được nắm tay “mẹ Ngần”, được nói lời cảm tạ trong nước mắt, “nhờ mẹ mà con được sống tiếp!”.

Ngày 16-5-2018, ca phẫu thuật tim xuyên Việt do BV T.Ư Huế và BV Việt Đức (Hà Nội) thành công. Anh Trần Tuấn (Huế) đã may mắn được cứu sống nhờ nhận được quả tim của người thanh niên từ Hà Nội, được chuyển vào Huế bằng máy bay dân dụng. Ngay khi tỉnh dậy, anh Tuấn đã hỏi han bạn bè, nhờ người quen tìm giúp thông tin gia đình người hiến tặng để cảm tạ. Mãi gần đây, anh mới biết, trái tim đang đập trong lồng ngực mình là của anh Nguyễn Ngọc Thiêm. Khi anh Thiêm bị tai nạn giao thông, người vợ trẻ chị Nguyễn Thị Thu Hằng (Thái Bình), được sự đồng ý của bố mẹ chồng, đã quyết định hiến cơ thể của anh Thiêm để cứu người. “Tôi vẫn nói với hai đứa con rằng cha chúng vẫn còn sống. Chỉ là không ở đây!”. chị Hằng xúc động. Đã có nhiều người như chị Hằng, như bà Ngần, khi phải lựa chọn giữa định kiến, quan niệm “chết toàn thây” và trao tặng sự sống, họ đã đứng về phía y học hiện đại. Để sự sống được hồi sinh.

Anh Tuấn, chị Hậu cho rằng mình may mắn. Bởi, cuộc sống đã trở lại sau rất nhiều tháng năm tuyệt vọng. Cũng bởi, một lần trong đời, họ được gặp, được nắm tay cảm tạ ân nhân. Trong khi, em Phạm Văn Cơ (15 tuổi, Đà Nẵng) chưa tìm thấy gia đình người tặng tim cho mình, dù mong mỏi được gặp. Gần sáu tháng trước, Phạm Văn Cơ là người may mắn nhận được trái tim hiến tặng từ một thanh niên bị tai nạn giao thông không may chết não. Sự sống trở lại sau ca phẫu thuật thành công ở BV T.Ư Huế, từ chàng trai xanh xao, gầy gò với cân nặng vẻn vẹn 39 kg, sau ghép tim, Cơ đã tăng 11 kg, sức khỏe dần hồi phục. Cơ và mẹ, bà Huỳnh Thị Ánh đang ở Hà Nội, mong gặp gia đình người hiến tặng tim, nhưng chưa tìm thấy.

200 và 20.000 người

Năm 2014, con số đăng ký hiến tạng sau khi chết não ở Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia là 200 người, chủ yếu là những cán bộ của Trung tâm hoặc người thân, bạn bè và y, bác sĩ. Chỉ 5 năm sau, con số này đã lên tới gần 20.000 người đăng ký hiến, theo số liệu thống kê đến 31-8-2018 của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Mới đây, câu chuyện cảm động về hiến mô, tạng của các cá nhân, những người bình thường trong xã hội đã tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ. Những câu chuyện về bé Hải An, 8 tuổi hiến tặng giác mạc, về thiếu tá Lê Hải Ninh, anh Nguyễn Ngọc Khiêm, kỹ sư Nguyễn Xuân Hải… những người ra đi và được gia đình trao tặng lại một phần thân thể của họ cho những bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo có sức lan truyền mạnh mẽ. Số người chủ động đến đăng ký hiến tạng nhiều hơn. Trong năm 2017-2018, đã có thêm 7.000 người đăng ký hiến.

Một người chết não cho đa tạng có thể cứu được 6-10 người bệnh. Ở nhiều nước trên thế giới, 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, trong khi ở nước ta, việc hiến mô tạng sau chết não còn rất hạn chế. Theo thống kê của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép tạng, tính cho toàn bộ quá trình phát triển của ngành ghép tạng nước ta cho đến 31-8-2018, số ca hiến tạng từ người cho chết não, chết tuần hoàn mới chỉ khoảng 223 trường hợp, chiếm tỷ lệ 6,6%.

GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, chỉ tính riêng tại một số BV lớn ở Hà Nội, có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan, khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... “Việc hiến tạng rất có ý nghĩa đối với việc hồi sinh cuộc đời một con người. Nếu mọi người không thay đổi suy nghĩ, nhiều người bệnh không còn cơ hội để tiếp tục được sống”, ông Sơn nhấn mạnh.