Bao giờ đòi hết nợ ngân sách?

Thời gian qua, công tác quản lý ngân sách của tỉnh Bắc Kạn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, thậm chí yếu kém. Hệ quả, nhiều khoản thu vài chục tỷ đồng không thu được; nhiều khoản cho vay không đòi được, trong khi nhiều dự án được chi ngân sách chưa đúng quy định hiện hành.

Dự án vườn ươm Cao Kỳ, huyện Chợ Mới nhiều hạng mục không quyết toán được.
Dự án vườn ươm Cao Kỳ, huyện Chợ Mới nhiều hạng mục không quyết toán được.

Nợ khó đòi

Nhiều năm trước, Công ty Sahabak ra đời trên cơ sở liên kết, hợp tác giữa các đơn vị góp vốn là Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Bất động sản Sài Gòn - Đông Dương và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn. Công ty Sahabak xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới. Tuy nhiên, đến nay, công ty đã bỏ địa chỉ kinh doanh, để lại cho Bắc Kạn nhiều khoản nợ khó đòi. 

Công ty Sahabak được Bắc Kạn giao nhiều diện tích đất rừng. Kể từ khi được giao đất đến nay, công ty không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không chấp hành quyết định xử phạt hành chính thuế, không chấp hành quyết định cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính (trong đó có tiền thuê đất, tiền chậm nộp). Tổng số thuế, tiền phạt và tiền thuê đất, tiền chậm nộp đến ngày 22-5 của Sahabak là hơn bốn tỷ đồng, nguy cơ không thu được số tiền này đối với Bắc Kạn đang hiện hữu. Giám đốc Công ty quản lý hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình La Đình Chính cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để khởi kiện Sahabak ra tòa án. 

Tại Bắc Kạn, nhiều doanh nghiệp (DN) khác có số nợ thuế lớn nhưng không còn hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh, bị khởi tố, đã đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động… Hậu quả, tính đến tháng 6, Bắc Kạn còn tới hơn 76 tỷ đồng tiền thuế không có khả năng thu. Có thể kể ra những cái tên “đình đám” một thời, niềm kỳ vọng trước đây của Bắc Kạn, như: Công ty CP khoáng sản Na Rì HAMICO nợ thuế hơn 30 tỷ đồng; Công ty CP khoáng sản luyện kim Bắc Á nợ hơn 20 tỷ đồng; Công ty CP Bắc Việt nợ gần bảy tỷ đồng; Công ty CP tập đoàn tre gỗ Việt Nam nợ hơn bảy tỷ đồng; Công ty CP sản xuất và chế tạo ô-tô Tracimexco nợ hơn hai tỷ đồng… Ngoài ra, còn bốn DN nợ tiền cấp quyền khoáng sản phát sinh hơn 22 tỷ đồng nhưng cũng khó thu được, gồm: Công ty TNHH Tuấn Ngân với mỏ đá vôi trắng Nà Hai (Ba Bể); Công ty CP khoáng sản An Phát với mỏ chì kẽm Bản Khét (Ngân Sơn); Công ty TNHH Bình Thanh với mỏ đá vôi Khưa Trạng (Na Rì); Công ty CP khoáng sản Na Rì HAMICO với mỏ quặng sắt Pù Ổ (Chợ Đồn).

Điều ngạc nhiên là, có nhiều dự án (DA) tỉnh Bắc Kạn cho thuê đất mà không hề có hồ sơ cho thuê theo quy định, thể hiện sự yếu kém trong quản lý. Tính đến tháng 12-2019, có ba DN thuê hơn 65 nghìn m² đất nhưng chưa có đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ, gồm: Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Na Rì; Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc; Công ty TNHH Hải Nam. Vì không có đơn giá nên Cục Thuế Bắc Kạn đành phải thu số tiền hơn 17 tỷ đồng thuê đất của ba công ty này bằng đơn giá tạm tính. Theo Cục Thuế Bắc Kạn, vì ba khu đất của ba DN này thuê đều chưa có quyết định giao đất, đơn giá thuê đất lần đầu cho nên phải thu theo đơn giá tạm tính và hoàn thiện hồ sơ thuê đất sau???

Yếu kém trong quản lý chi 

Trong khi nhiều khoản phải thu đang khó mà thu được thì Bắc Kạn cũng bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý chi ngân sách, nhiều khoản chi cũng rơi vào tình trạng “nợ khó đòi”. Từ 2003 đến 2010, Bắc Kạn cho một số đơn vị sự nghiệp, DN vay ngân sách tỉnh nhưng đến nay không thu lại được. Trong đó, các đơn vị sự nghiệp vay hơn 770 triệu đồng; các DN vay hơn 10 tỷ đồng. Theo lý giải của Sở Tài chính Bắc Kạn, các đơn vị sự nghiệp vay ngân sách nhưng chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ cho nên đến nay trên sổ sách một số khoản vay không còn thể hiện. Các DN vay ngân sách không trả là do sản xuất thua lỗ. 

Khi thanh tra công tác quản lý ngân sách của tỉnh Bắc Kạn trong năm 2019, Bộ Tài chính cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của tỉnh này trong công tác chi. Cụ thể, Bắc Kạn đã bố trí vốn cho một dự án nhóm C vượt quá thời hạn ba năm, không đúng với quy định đối với các DA Trường THPT Chuyên Bắc Kạn, DA xử lý thoát úng sau Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tỉnh không bố trí đầy đủ vốn cho các DA đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng, như: DA Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn (phần xây lắp); DA cải tạo, sửa chữa đường tỉnh 258, đoạn từ điểm đầu khu du lịch Ba Bể đến trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể. Một số DA đã quyết toán nhưng không được Bắc Kạn bố trí đầy đủ vốn, như: DA đường từ ngã ba Tỉnh ủy đến đường Nguyễn Văn Tố và hạ tầng nhà công vụ Tỉnh ủy; DA khắc phục sạt lở đất khu Nà Cáy, thôn Thôm Mò (Bạch Thông); DA Trạm Y tế xã Vũ Muộn (Bạch Thông).

Trước những yếu kém, sai phạm nêu trên, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cần xem xét thu hồi và có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các DN có số nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phát sinh từ năm 2018 trở về trước nhưng đến nay chưa nộp…