Xây dựng thành phố thông minh theo cách nào?

Cùng với TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đang tích cực xây dựng “thành phố thông minh” (Smart city). Đây là vấn đề đã được bàn nhiều, song cần cách nhìn nhận đúng đắn và chuẩn bị những bước dài hơi.

Cần tích hợp nhiều giá trị cho thành phố thông minh. Ảnh: VĂN HỌC
Cần tích hợp nhiều giá trị cho thành phố thông minh. Ảnh: VĂN HỌC

Lực cản sự thông minh

Có nhiều cách định nghĩa “thành phố thông minh”, nội dung chung nhất là: “Đô thị có lắp đặt công nghệ số hóa trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của mình để bảo đảm chất lượng cuộc sống cũng như tính hiệu quả trong mọi hoạt động”.

Soi chiếu với thực trạng tại Hà Nội thì việc ứng dụng các giải pháp thông minh trong các hoạt động kinh tế - xã hội rất phong phú, bao gồm cả hai mặt tốt và bất cập: Mua vé điện tử máy bay, tàu hỏa đang phổ biến, nhưng rất bất tiện khi hệ thống bị trục trặc, phá hoại (hackr). Giao dịch tài chính điện tử cũng đã thay đổi đáng kể các hoạt động tài chính nhưng cũng xuất hiện những rủi ro, nhầm lẫn, thất thoát. Sổ y bạ điện tử có tinh vi đến bao nhiêu cũng chẳng có ích gì khi người bệnh không thể nhận ra đâu là thuốc giả, thuốc thật. Học bạ điện tử có nhanh nhạy bao nhiêu thì học sinh vẫn ốm yếu, kém năng động khi thiếu sân chơi an toàn, không có đường đi bộ đến trường thân thiện…

Rõ ràng, với thành phố còn đang diễn ra tình trạng tắc đường, khói bụi, ngập nước… thì những mô tả về “thành phố thông minh” thật sự là sự khao khát của người dân. Trong giới kiến trúc/quy hoạch đô thị, mô hình “thành phố thông minh” có thể là giải pháp có khả năng sửa chữa những lỗi của đô thị phát triển tự phát, tràn lan… Mô hình mới này là tổng hợp các phương thức đã từng được diễn đạt nhiều cách khác nhau: Cyber city (đô thị mạng internet diện rộng); Digital city (đô thị công nghệ số hóa); E-city (đô thị điện tử); Felicity (đô thị linh hoạt)…

Công nghệ không thể thay tất cả

Tại Jakarta (Indonesia), GrapBike có tên là Go-Jek đã đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng và lái xe, nhưng cũng làm suy giảm hành khách sử dụng giao thông công cộng. Tại Ấn Độ, hệ thống cảnh báo dịch bệnh điện tử trở nên vô nghĩa khi không có đủ bác sĩ, bệnh viện để đáp ứng nhu cầu cấp cứu… Nhìn rộng ra là có đầu tư bao nhiêu tiền của để số hóa bản đồ quy hoạch đô thị hay hồ sơ địa chính điện tử cũng trở nên vô nghĩa khi không được công bố rộng rãi và thường xuyên điều chỉnh cục bộ mà không cập nhật. Hệ thống cảnh báo ô nhiễm không khí nhạy bén đến mấy cũng không để làm gì khi lấp hồ ao, san ruộng vườn để bê-tông hóa đô thị, làm các tuyến đường tám làn xe ô-tô chạy đến các dự án bất động sản thương mại.

Muốn phát triển “thành phố thông minh”, cơ quan chức năng Hà Nội nên tham khảo, rút kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới. Cũng phải nhìn nhận rằng, Hà Nội dũng cảm bỏ công nghệ cũ, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, nhất là mạng diện rộng WAN. Nhưng để có tâm thế bước vào xây dựng “thành phố thông minh” thì còn nhiều việc phải làm để không chỉ phát triển về công nghệ, mà còn bảo đảm các yếu tố văn hóa truyền thống được bảo lưu từ nghìn năm qua.

Theo bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thành phố chọn bốn lĩnh vực ưu tiên trong xây dựng thành phố thông minh là: giáo dục, y tế, giao thông và du lịch. Cả bốn lĩnh vực này trong những năm qua đều chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Về giáo dục và du lịch vẫn chưa có đột phá. Về y tế, bệnh viện luôn quá tải, việc khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Về giao thông cũng vậy, người dân tiếp tục than phiền về nạn tắc đường, cơ quan chức năng lúng túng trong quản lý, xây dựng hạ tầng giao thông.

Để xây dựng thành công thành phố thông minh, thì tư duy quản lý và sự ủng hộ của người dân là điều quan trọng. Cùng với đó là việc tổ chức chiến lược thực hiện, chứ không chỉ nghe theo những lời chào hàng của các công ty, tổ chức để bán trang thiết bị, rồi “bỏ của chạy lấy người”. Hà Nội sẽ thật sự trở nên thông minh hơn nếu biết đặt ra mục tiêu, lộ trình thực hiện khả thi để tạo dựng không gian sống trong môi trường trong lành, tất cả công dân có cơ hội học tập, tiếp cận việc làm, đi lại thuận tiện an toàn, tiếp cận các dịch vụ với chi phí phải chăng và tình thân hữu láng giềng ấm áp. Những hệ thống máy chủ tối tân, những phần mềm, giải pháp thông minh đến mấy cũng chỉ là phương tiện hỗ trợ thực hiện những mục tiêu ấy.