Triển khai bệnh án điện tử:

Tiện ích nhưng vẫn chậm

Việc thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử sẽ giúp người bệnh thuận lợi hơn khi khám, chữa bệnh. Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 1-3-2019, các cơ sở y tế bắt đầu thực hiện tiến trình này. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 14 cơ sở y tế trong cả nước sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử.

Bệnh án điện tử sẽ giúp thuận lợi hơn khi khám, chữa bệnh.
Bệnh án điện tử sẽ giúp thuận lợi hơn khi khám, chữa bệnh.

Gần nửa năm mới có 14 bệnh viện

Cầm chiếc thẻ từ thông minh trên tay, ông Nguyễn Văn Đại (phường Xuân La, quận Tây Hồ) đi thẳng đến máy đăng ký tự động tại khu vực làm thủ tục nhập viện của Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội (cơ sở trên đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ). Sau vài thao tác đơn giản, đặt thẻ vào vị trí quẹt, máy tự động nhận và hiển thị thông tin người bệnh, ông Tuyến ấn ngón tay vào ô giao diện có tên phòng khám, lập tức máy hiện lên thông tin phòng và số thứ tự khám.

“Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh, tôi phải xếp hàng mua sổ y bạ, tự điền các thông tin, rồi xếp hàng lấy số đăng ký khám… Thủ tục như vậy, tôi phải chờ đợi rất lâu, nhưng từ khi BV triển khai thẻ thông minh, thủ tục nhập viện tiến hành rất nhanh, thuận lợi”, ông Đại chia sẻ.

Tiện lợi là như vậy, song việc triển khai bệnh án điện tử vẫn mới đang ở giai đoạn đầu triển khai tại 14 BV. Ghi nhận tại BV Bạch Mai, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, hiện nay tại BV vẫn đang áp dụng bệnh án giấy như bình thường.

“Để triển khai được bệnh án điện tử là cả khối công việc lớn chứ không thể áp dụng ngay được. Để triển khai đồng bộ và hiệu quả, đầu tiên chúng tôi phải xây dựng được phần mềm quản lý dữ liệu. Phần mềm dữ liệu này phải rất lớn, do vậy BV và đối tác công nghệ thông tin của BV cần thời gian để lên phương án hoàn thiện”, ông Hùng cho hay.

Còn lúng túng

Theo Bộ Y tế, đến thời điểm này, mới có 14 cơ sở y tế trên cả nước bắt đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tuyên, chuyên viên của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện nay việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn còn lúng túng.

Hiện nay, chi phí cho phần mềm quản lý BV, phần cứng cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin khá tốn kém. Đồng thời, với việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, việc đầu tư chữ ký số của người bệnh và bác sĩ thay cho chữ ký tươi trước đây không hề dễ dàng, bởi giá của một chữ ký điện tử khá đắt.

Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn chưa đưa giá công nghệ thông tin vào giá dịch vụ y tế hiện tại, gây khó khăn cho các cơ sở khám, chữa bệnh. “Với một dịch vụ y tế, có bảy kết cấu thành phần trong giá dịch vụ y tế, nhưng hiện nay công nghệ thông tin lại không thuộc một trong bảy kết cấu đó. Vì vậy, Bộ Y tế đang xây dựng chi phí dịch vụ công nghệ thông tin thành kết cấu thứ tám, nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư công nghệ thông tin trong hồ sơ bệnh án điện tử”, ông Tuyên cho biết.

Cũng theo ông Tuyên, việc liên thông dữ liệu giám định thanh toán Bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm xã hội đã được thực hiện với kết quả hơn 99,5% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai toàn quốc, song để giảm khó khăn của cơ sở khám ,chữa bệnh khi áp dụng công nghệ thông tin, bệnh án điện tử, Bộ Y tế hiện đang xây dựng chuẩn liên thông dữ liệu giữa các phần mềm y tế tại đơn vị, xây dựng mã định danh (ID) y tế thống nhất trong toàn ngành”, ông Tuyên chia sẻ.

Cũng theo thông tư của Bộ Y tế, việc bảo đảm bí mật thông tin của bệnh nhân khi thực hiện bệnh án điện tử là vô cùng quan trọng. Bởi hồ sơ bệnh án là một trong những tài liệu lưu trong dữ liệu mật. Vì vậy, việc sử dụng, khai thác hồ sơ bệnh án điện tử phải được thực hiện theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh. Cần có quy định rõ là ai được mở và mở đến đâu, do bảo đảm bí mật cho người bệnh là một trong những yêu cầu quan trọng đối với người thầy thuốc.