Ngăn chặn tình trạng học hộ, thi hộ tại các trường đại học

“Cầu” ắt có “cung” nên việc học hộ, thi hộ (HHTH) vẫn đang len lỏi tại nhiều trường đại học (ĐH). Chỉ cần tìm kiếm trên mạng xã hội sẽ có hàng trăm hội nhóm học hộ, thi hộ với nhiều mức giá khác nhau.

Hệ thống nhận diện gương mặt trong điểm danh, giảm thiểu tình trạng học hộ. Ảnh: ĐHTL
Hệ thống nhận diện gương mặt trong điểm danh, giảm thiểu tình trạng học hộ. Ảnh: ĐHTL

Thị trường “ngầm”

Trên trang facebook cá nhân của một bạn có tên là Hồng Trần, hiện là sinh viên năm thứ 3 một trường ĐH có tiếng tại Hà Nội mới đây công khai đăng tải: “Cần gấp hai, ba bạn đi học cả ngày thứ sáu, thứ bảy. Giá là 200k/ngày!”. Tìm hiểu trên các trang mạng xã hội thì việc HHTH không phải hiện tượng mới và không khó khăn gì. Chỉ cần gõ từ khóa lên các trang mạng xã hội hay các công cụ tìm kiếm, sinh viên (SV) có thể dễ dàng tìm được người học hộ cho mình. 

Theo tìm hiểu, có hàng trăm lý do khác nhau để SV thuê người học hộ, từ đi làm thêm đến ốm cũng không xin nghỉ mà thuê người học hộ, thậm chí đôi khi chỉ là… do thời tiết xấu. “Cầu” ắt có “cung” khiến việc HHTH chẳng khác nào một thị trường “ngầm” mà các SV hiện nay coi là điều hiển nhiên.

Bạn Nguyễn Thanh N. hiện đang là SV Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết: “Nhiều hôm mình thấy mệt, không muốn đi học nên thuê cho nhanh, lớp cũng đông, cô chả điểm danh được hết đâu mà”. Còn bạn Vũ Thùy Tr. (Trường ĐH Thương mại) thì kể khổ: “Nhiều lúc có việc ở quê, không xin nghỉ được nên thuê. Cũng có vài lần đi làm thêm bị đổi ca nên cũng phải thuê học hộ”. Bạn Nguyễn Mạnh K. thì nói hẳn: “Ngành học này, tôi không hứng thú gì. Bố mẹ bắt theo nên không muốn lên lớp! Ngồi ngáp thì ảnh hưởng chung quanh nên bố mẹ cho tiền thì bớt ra thuê người học hộ!”.

Các hội nhóm HHTH này có những lúc thu hút đến gần 14.000 người tham gia, với khối lượng cả trăm bài viết một ngày. Điều này cho thấy “sức nóng” của vi phạm quy chế học tập, thi cử. Ai có nhu cầu thuê người, chỉ cần đăng lên hội với nội dung cần người học hộ sẽ có hàng trăm lượt nhận lời, sau khi thỏa thuận xong giá cả, người thuê sẽ cung cấp thông tin cá nhân, mã SV… Người được thuê chỉ cần một quyển vở, đến lớp ngồi, thỉnh thoảng ghi chép và đến khi giảng viên điểm danh đến tên “có” là được 80 - 100 nghìn đồng/buổi.

Chính vì vậy đã có rất nhiều trường hợp coi đây là một “nghề” béo bở. Bạn Hoàng Mai L., SV Trường ĐH Thủy lợi cho biết: “Sáng mình đi học, chiều thì học hộ ở một trường, thậm chí học cả tối, mỗi buổi như vậy mình được 100 nghìn đồng. Chưa kể còn tiền thi hộ hoặc viết tiểu luận, coi như một tháng chẳng phải lo tiền ăn”. Thậm chí nhiều sinh viên còn thuê học trọn gói vừa học hộ, thi hộ cả năm, thậm chí là cả bốn năm học vì có những giảng viên rất nhớ mặt sinh viên nên không thể thuê học cách buổi.

“Nhờn” quy chế

Theo Quyết định 42/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo, hành vi nhờ/thuê người HHTH và hành vi HHTH không chỉ là những hành vi trái đạo đức mà nó còn trái pháp luật giáo dục được quy định tại khoản 2, Điều 6 Quy chế học sinh, sinh viên. Nếu việc HHTH bị phát hiện, trước hết bài làm hộ, bài thi hộ của SV đó sẽ bị hủy bỏ, không được công nhận điểm danh trong các buổi học hộ. Ngoài ra, sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai. Trường hợp người HHTH hộ là SV học trường khác, nhà trường sẽ gửi công văn sang yêu cầu trường đó xử lý. Tuy nhiên, với người HHTH là người tự do thì nhà trường chỉ biết kỷ luật SV của mình.

Văn bản đã ban hành, hình thức xử phạt cũng đã có nhưng nhiều SV tỏ ra không quan tâm và không sợ. Với đặc trưng là sĩ số lớp luôn đông (tầm 50 - 60 SV một lớp hoặc thậm chí hơn), giảng viên lên lớp không nhớ hết mặt SV, các phòng chức năng cũng không kiểm soát hết trong khi chưa có các phương tiện kỹ thuật hiện đại hỗ trợ… nên hiện tượng HHTH ngày càng ngang nhiên.

Cũng theo quy định của hầu hết các trường ĐH, cao đẳng, SV đến trường phải đeo thẻ SV, tuy nhiên hiện nay việc làm thẻ SV, chứng minh thư và một số giấy tờ giả rất tinh vi, nếu nhìn mắt thường không để ý giảng viên dễ dàng bị “qua mặt”. 

Có thể thấy việc chống tiêu cực trong học tập và thi cử dường như chỉ được chú trọng ở các kỳ thi lớn như thi đầu vào ĐH, thi cấp ba. Trong khi cơ chế kiểm soát của nhà trường trong mỗi giờ học còn khá lỏng lẻo. Chính vì vậy hiện tượng “học giả bằng thật” đến nay đã không phải hiếm. Nếu việc này không được giải quyết triệt để, hệ lụy của nó là rất lớn, không chỉ mất công bằng cho các SV trong cùng trường mà còn ảnh hưởng đến nhận thức, đến chất lượng, đến chuẩn đầu ra và định hướng nghề nghiệp của mỗi SV trong tương lai và rộng hơn là cho cả xã hội.