Còn khó trong ký hợp đồng với giúp việc gia đình

Từ ngày 1-2-2021, các gia đình thuê người giúp việc (NGV) phải ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) bằng văn bản với người được thuê để có bằng chứng thỏa thuận về những việc phải làm và quyền lợi khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, việc này còn vấp phải nhiều khó khăn. 

Từ ngày 1-2-2021, chủ nhà khi thuê người giúp việc phải ký hợp đồng bằng văn bản.
Từ ngày 1-2-2021, chủ nhà khi thuê người giúp việc phải ký hợp đồng bằng văn bản.

1/ Theo Điều 88 - Nghị định 145/2020/NĐ-CP (NĐ 145) - hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ, lao động là NGV gia đình, là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Lao động có giao kết HĐLĐ bằng văn bản, để làm những công việc theo quy định tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật Lao động. 

Từ ngày 1-2-2021, chủ nhà khi thuê NGV phải ký hợp đồng bằng văn bản. Đây là quy định không mới và khá cần thiết, nhưng để thực hiện được trong thực tế còn không ít những vướng mắc.

Cô Đỗ Thị Tuất (56 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cho biết, cô đã lên Hà Nội làm giúp việc từ năm 30 tuổi. 26 năm, sống với không biết bao nhiêu gia đình nhưng chỉ có một nhà tại Hoàng Mai là yêu cầu phải ký hợp đồng vì chăm người ốm, còn lại chỉ là thỏa thuận bằng miệng. Trường hợp khác là chị Nguyễn Tuyết Vân (37 tuổi), chủ yếu làm công việc lau dọn tự do theo buổi hoặc theo giờ, thế nên cũng không có HĐLĐ. Chị cho biết, mỗi buổi sáng dọn một nhà, trung bình chị kiếm được 300 - 400 nghìn đồng, cả tháng chị cũng kiếm được 17 - 18 triệu đồng. Làm việc theo kiểu “tiền trao cháo múc”, không ràng buộc gì thế nên việc ký HĐLĐ với chị là không cần thiết. Nhiều NGV khác cũng rất ít người muốn ký HĐLĐ bởi sợ ràng buộc, thủ tục lằng nhằng, sợ lương thấp đi do phải trích một phần đóng bảo hiểm. Hầu hết chỉ quan tâm đến công việc như thế nào, mức lương trả ra sao, nhà chủ có khó tính hay hợp với mình không… nếu chấp nhận, hai bên sẽ chỉ giao kết bằng lời nói. 

Theo Điều 5, Nghị định 88/2015/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động không thực hiện việc ký kết HĐLĐ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 20 triệu đồng. Quy định là vậy, thế nhưng theo tìm hiểu, chủ nhà chỉ cần giới thiệu NGV là “họ hàng”, người thân trong gia đình đến trông trẻ giúp là có thể qua được cơ quan chức năng. Ngoài ra, những NGV còn hạn chế về hiểu biết pháp luật, ngại va chạm, không muốn ràng buộc nên thường không chủ động có ý kiến về việc ký hợp đồng.

2/ Được biết, theo quy định HĐLĐ sẽ phải được lập ít nhất thành hai bản, người sử dụng lao động giữ một bản, người lao động giữ một bản. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký HĐLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là NGV gia đình… Cùng với đó, thời hạn của hợp đồng do hai bên thỏa thuận. Trong hợp đồng được ký kết, cần có các nội dung chính như: tiền lương làm việc, hình thức trả lương (tiền mặt/chuyển khoản), kỳ hạn trả lương (trả hằng tháng/tuần/ngày), công việc và địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời gian làm việc hằng ngày, thời gian nghỉ ngơi, chỗ ăn ở của người giúp việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (trả cùng lúc với kỳ trả lương)…

Có thể thấy, hợp đồng sinh ra để bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên khi xảy ra tranh chấp trong quá trình làm việc. Cũng không ít trường hợp xảy ra mâu thuẫn nhưng không thể giải quyết vì không có bằng chứng. Đơn cử như trường hợp của chị Hoàng Mai Linh (24 tuổi, tại Thanh Hóa), cách đây sáu năm khi mới lên Hà Nội làm giúp việc, chị đã phải đi làm gần hai tuần chỉ với giá 200 nghìn đồng. “Gia đình hứa trả 4,5 triệu đồng/tháng nếu vào làm và yêu cầu thử việc một tuần, nhưng rồi họ khất đến gần hai tuần thì bảo không thuê nữa và đưa tôi 200 nghìn. HĐLĐ mình chả có, thỏa thuận bằng mồm, lúc đó chả kêu được ai”, Chị cho biết. Sau đợt đó, chị Linh đã ký hợp đồng với một số công ty để bảo đảm quyền lợi cho mình.

Một trường hợp khác là gia đình cô Nguyễn Thanh Thảo (Hà Nội), NGV khi lau dọn đã làm hư hỏng chiếc tivi gần 20 triệu đồng của gia đình. Cô chia sẻ: “Không có hợp đồng nên mình làm sao bắt đền theo đúng quy định pháp luật được. Cô cũng chỉ biết nhắc nhở rồi trừ một phần lương”. 

Nghị định ra đời đã thể hiện sự tiến bộ, trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với NGV gia đình. Việc tuyên truyền về quy định phải ký kết HĐLĐ bằng văn bản đối với NGV là việc cần thiết để chính những NGV biết được quyền lợi của mình. Cùng với đó, gia đình thuê giúp việc có trách nhiệm hơn và để quy định của pháp luật được thực hiện trong thực tế. Tuy nhiên, việc hướng dẫn và giám sát thực hiện cần cặn kẽ, chặt chẽ, tránh để văn bản pháp luật đã ban hành nhưng hiệu lực thực hiện không cao.