Còn khó khăn xác định danh tính hài cốt liệt sĩ

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức chính trị, xã hội đã có nhiều chính sách hỗ trợ tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, những nỗ lực này đang gặp nhiều khó khăn.

Trung tâm Marin tổ chức nhiều buổi tư vấn lưu động về khớp nối, tìm kiếm thông tin về hài cốt liệt sĩ ở các địa phương.
Trung tâm Marin tổ chức nhiều buổi tư vấn lưu động về khớp nối, tìm kiếm thông tin về hài cốt liệt sĩ ở các địa phương.

Thiếu thông tin

Hiện nay, ngoài việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ bằng ADN, thì nhiều đơn vị đang triển khai xác định thông tin hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng (khớp nối thông tin về liệt sĩ, thông tin gia đình liệt sĩ và bia mộ của liệt sĩ đó). Mới đây, trong tọa đàm “Công tác trợ giúp pháp lý trong hoàn thiện hồ sơ kiến nghị điều chỉnh thông tin mộ liệt sĩ”, các chuyên gia trong lĩnh vực đã chia sẻ những thành công, rào cản trong việc tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.

Theo bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ - Marin, hiện tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước có rất nhiều phần mộ liệt sĩ khuyết thông tin như có tên hoặc thiếu tên, thiếu một hoặc toàn bộ thông tin để xác định chính xác nhân thân liệt sĩ… Việc khớp nối thông tin, dữ liệu đầy đủ để liệt sĩ trở về quê hương sẽ giúp giải tỏa được niềm mong mỏi của thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Còn theo ông Hoàng Văn Giang, Phó Tổng Thư ký Hội Bảo trợ pháp lý cho người nghèo, hàng nghìn gia đình đã mất hàng chục năm tìm kiếm phần mộ liệt sĩ của gia đình nhưng vẫn chưa tìm được do thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác. Bên cạnh đó, việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, kết luận địa bàn, lập hồ sơ tìm kiếm quy tập của một số đơn vị, địa phương triển khai còn lúng túng, chưa nắm chắc quy trình, phương pháp tiến hành chưa theo đúng tiến độ. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, tích cực.

Cùng với đó, thời gian phân tích, đối chiếu ADN mẫu hài cốt liệt sĩ, mẫu sinh phẩm còn chậm, thân nhân phải chờ đợi lâu. Số mẫu sinh phẩm cần giám định ADN lớn, trong khi đó, công suất các cơ sở giám định chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, họ chưa được hỗ trợ về pháp lý để hoàn thiện hồ sơ, điều chỉnh thông tin liệt sĩ để việc tìm kiếm có kết quả.

Mở rộng tìm kiếm bằng nhiều phương pháp

Ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Trung tâm Marin cho rằng, chiến tranh qua rất lâu, chúng ta từng trải qua hai cuộc chiến rất khốc liệt, vì vậy nhiều phần hài cốt không còn, bị phân hủy. Thêm vào đó, do tính chất cuộc chiến tranh ác liệt, công tác quy tập, chôn cất hài cốt lúc đó không được tốt nên nhiều phần mộ bị mất tên, sai tên, sai quê quán, địa chỉ… nên việc xác định lại thông tin gặp rất nhiều khó khăn, nhất là xác định bằng ADN.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237), do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), do Bộ LĐ-TB&XH triển khai.

Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Thông qua phương pháp thực chứng và sự phối hợp nhiều cơ quan chức năng, thông tin đồng đội, đơn vị, thân nhân liệt sĩ và nơi quy tập hài cốt liệt sĩ, kết quả đã khớp nối thông tin được 2.044 liệt sĩ và báo tin về cho thân nhân.

Để tăng nguồn lực, sức mạnh trong việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ, năm 2018, Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thành Ban Chỉ đạo quốc gia 515 trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 1237) và Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Ban Chỉ đạo 150). Sau khi thành lập ban chỉ đạo đã quyết định triển khai việc thành lập Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ online.

Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng đã chuyển giao hơn 700.000 dữ liệu về liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH đã chuyển giao 1,2 triệu dữ liệu về liệt sĩ, trong đó có gần 900.000 dữ liệu về mộ liệt sĩ và hơn 3.000 dữ liệu về nghĩa trang liệt sĩ cho Bộ Thông tin và Truyền thông để chuẩn hóa, tích hợp liên thông cơ sở dữ liệu về công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đăng trên Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc khớp nối và hoàn thiện hồ sơ về liệt sĩ, nhưng việc khớp nối, tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ vẫn gặp nhiều khó khăn, cần áp dụng linh hoạt nhiều phương pháp để đạt hiệu quả cao nhất.