Bất an hoạt động khai thác đá

Nhiều năm trở lại đây, các hộ dân sinh sống tại thôn 8, xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) luôn phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường với những ngôi nhà bụi phủ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt.

Công trường khai thác rất gần với nhà dân.
Công trường khai thác rất gần với nhà dân.

1.Khu vực thôn 8 trước năm 2003 là đất trồng lúa. Sau đó, vì không hiệu quả cho nên được quy hoạch chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Người dân xây lán tạm, nhà trông coi phục vụ sản xuất, cuộc sống đang yên ổn với vườn rau, ao cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thế nhưng, từ ngày có hoạt động khai thác đá, khói bụi, đất đá văng xuống ao hồ của người dân, làm cho cá tôm chết. Có những lúc hoạt động khai thác còn làm cho đá văng cả vào nhà dân, khiến người dân nơi đây luôn phải sống trong tình trạng lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Đề, người dân sinh sống tại xã Hồng Thái Tây cho biết: “Nhà nứt rồi, mưa dột phải hứng chậu thau. Có hôm nguyên một hòn đá to bắn vào gầm giường, đất đá rơi vương vãi xuống ao. Thế mà họ sang bảo không việc gì, chỉ là bùn đất”.

Theo tìm hiểu, mỏ đá núi Chũng được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy phép khai thác số 2319 cho Công ty Ngọc Thắng tổ chức khai thác từ năm 2003 đến năm 2013, sau đó tiếp tục được gia hạn đến năm 2022. Theo đánh giá ban đầu, mỏ đá núi Chũng cách khu dân cư từ 400 m đến 500 m trở lên, cho nên không ảnh hưởng đến các hộ dân. Công ty có đầy đủ hồ sơ thủ tục pháp lý cũng như phương án an toàn khi được cấp phép hoạt động.

Thời kỳ đầu, do doanh nghiệp tổ chức khai thác ở phía nam cho nên mức độ ảnh hưởng không lớn. Cho đến những năm gần đây, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng khai thác sang phía bắc với công suất và cường độ cao, nhất là sau khi Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 1745 ngày 25-6-2018 cho phép Công ty Ngọc Thắng sử dụng vật liệu nổ để phá núi đã tạo ra nhiều rung chấn lớn, gây mất an toàn nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Trong khi, khoảng cách an toàn từ 400m thực tế chỉ còn hơn 100m.

Theo kiến nghị của người dân và qua kiểm tra thực địa, UBND thị xã Ðông Triều đã có Văn bản số 199 ngày 1-8-2018, trong đó khẳng định có 27 hộ dân đang sống và sản xuất trong phạm vi khai thác an toàn dưới 300 m. Ðồng thời, văn bản cũng yêu cầu Công ty Ngọc Thắng dừng việc khai thác đá, cắt phần ngọn núi khu vực khai thác 50 m tính từ đỉnh xuống; nghiên cứu phương án khai thác hợp lý, không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Xem xét đền bù thiệt hại do hoạt động khai thác; thực hiện khai thác đúng quy định; thực hiện nghiêm các nội dung giấy phép sử dụng vật liệu nổ: thời gian, có thông báo, cử cán bộ giám sát cảnh báo.

Đồng thời, phía thị xã cũng thuê một đơn vị độc lập để đo tác động môi trường từ việc nổ mìn khai thác đá của công ty. Kết quả cho thấy mọi con số đều nằm trong mức cho phép. Trong buổi làm việc tại UBND xã Đông Triều, ông Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Đông Triều cũng khẳng định: “mọi thứ đều đạt chuẩn”.

2.Thế nhưng, trái ngược với kết quả đo đạc mà phía thị xã Đông Triều đưa ra, ngày 20-2-2019, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh có văn bản báo cáo kết quả kiểm tra theo nội dung mà công dân phản ánh. Trong đó có nêu, Công ty TNHH Cơ khí và xây dựng Ngọc Thắng đã khai thác không đúng trình tự khai thác, hệ thống khai thác theo thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt. Công ty chưa thực hiện việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản để giao nhận với cơ quan liên quan theo quy định. Công ty chưa đăng ký kế hoạch khai thác năm 2018 với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường. Bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực khai thác không đúng quy định. Vị trí quan trắc còn thiếu một số điểm theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Văn bản này cũng yêu cầu phía công ty chủ động phối hợp với chính quyền địa phương mời đơn vị độc lập để xác định mức độ ảnh hưởng của hoạt động nổ mìn, làm cơ sở lập phương án, chi trả tiền đền bù, hỗ trợ các hộ dân. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát về quy trình, phương án nổ mìn bảo đảm theo đúng quy định.

Được biết, sau khi có kết luận thanh tra, doanh nghiệp đã tiến hành khắc phục từng phần. Tuy nhiên, khi tất cả còn chưa thực hiện xong thì ngày 30-9-2019, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh lại ban hành Văn bản số 2519, điều chỉnh nội dung giấy phép sử dụng vật liệu nổ ban hành trước đó. Theo văn bản này, khối lượng thuốc nổ Công ty Ngọc Thắng được sử dụng để phá núi được nâng gấp hơn ba lần, từ tối đa 90 kg/lần lên 300 kg/lần kích nổ. Nếu như trước đây, với khối lượng thuốc nổ tối đa 90 kg cho một lần nổ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, thì nay với khối lượng thuốc nổ được nâng lên như vậy, liệu mỗi lần doanh nghiệp kích nổ để khai thác đá có bảo đảm được sự an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân hay không?