Bảo vệ trẻ em trước tác hại của rượu bia

Từ ngày 1-1-2020, theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, việc bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các cửa hàng có bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán cho người dưới 18 tuổi.

Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực.
Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực.

Được ủng hộ

Từ trước đến nay, vấn đề cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, pháp luật Việt Nam đã có hệ thống văn bản tương đối đầy đủ. Các Nghị định 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu đã có quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi; Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội đã quy định. Ngoài ra, đã có Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh rượu, và các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi…

Luật sư Nguyễn Hằng Nga (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là một quy định đúng đắn, đưa hệ thống pháp luật nước ta đến gần hơn với quy định của các nước tiên tiến trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

Anh Quách Văn Đoàn, trú tại Khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, việc người lớn uống rượu, bia gây nhiều tác hại tới sức khỏe và trật tự an toàn xã hội thì việc cấm người chưa trưởng thành là hoàn toàn đúng đắn. Giúp các em có một định hướng đúng, một chuẩn mực xã hội.

Chị Nguyễn Lê Ngọc, chủ cửa hàng bán rượu, bia, nước giải khát tại phố Nghĩa Tân cho biết: “Khi có quy định này, nhiều chủ cửa hàng e ngại sẽ mất khách, mất doanh thu. Nhưng theo tôi, số lượng khách ở độ tuổi này cũng không nhiều, không ảnh hưởng mấy đến thu nhập của chúng tôi. Trên hết, nếu bảo vệ được sức khỏe của các cháu, giống như con em mình trong nhà thì cửa hàng tôi sẽ chấp hành nghiêm quy định”.

Chủ một quán bar trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng: “Việc quy định này ở bar của chúng tôi thực hiện không khó vì khi vào cửa, khách hàng đều phải có thông tin cá nhân, cụ thể về tuổi tác. Do đó, chúng tôi có thể sàng lọc được việc bán rượu, bia cho các đối tượng. Việc quy định này, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ vì một môi trường văn hóa văn minh!”.

Cần tăng cường kiểm soát

Quy định việc bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi là vi phạm pháp luật đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía xã hội. Tuy nhiên, điều mà dư luận lo ngại là tính khả thi của nó. Bác Nguyễn Văn Báu, cán bộ hưu trí trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực 5 năm, tuy nhiên, nhiều hành vi cấm thì mãi vẫn chưa được thực thi hiệu quả. Thí dụ, việc hút thuốc lá nơi công cộng, trong công sở, bến tàu xe và ngay cả các bệnh viện vẫn diễn ra và rất ít ai bị xử lý. Thực tế, rất khó có đủ lực lượng chức năng để giám sát và thực hiện các quy định đã được đề ra này!

Tương tự, chúng ta hoàn toàn có thể thấy, có rất nhiều trẻ em cũng có thể đi mua rượu một cách dễ dàng. Hoạt động bán lẻ của người bán và người mua thực tế là buông lỏng hoàn toàn và không phải chịu bất kỳ một cơ chế quản lý nào cũng như không có ai đứng ra giám sát, xử phạt.

Chị Nguyễn Thủy Trang, chủ một cửa hàng đại lý đồ uống trên phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho biết, việc xác định tuổi người mua, chúng tôi chủ yếu quan sát bên ngoài. Nay khi khách đến mua mà lại lục vấn chứng minh độ tuổi là chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, thẻ sinh viên… thì chẳng khác nào đuổi khách đi!

Theo luật sư Hằng Nga, để quy định đi vào cuộc sống, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị, ban, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh rượu, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.