Báo động trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ

Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và đứng thứ ba gây tử vong tại nước ta. Điều đáng nói, không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi, giờ đây bệnh nhân đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt vào thời điểm giá rét  như hiện nay.

Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đưa vào sử dụng máy cộng hưởng từ MAGNETOM Lumina.
Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đưa vào sử dụng máy cộng hưởng từ MAGNETOM Lumina.

1/3 số trường hợp mắc bệnh đột quỵ là ở những người trẻ tuổi

Đột quỵ xảy ra ở những người dưới 45 tuổi được gọi là đột quỵ ở người trẻ. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tại Việt Nam có khoảng 200 nghìn người mắc bệnh đột quỵ hằng năm. 50% trong số đó tử vong. Điều đáng lo ngại là bên cạnh bệnh không lây nhiễm, những người mắc bệnh đột quỵ đang gia tăng lên một cách nhanh chóng. Trong đó 1/3 số trường hợp mắc bệnh đột quỵ là ở những người trẻ tuổi (từ 40 - 45 tuổi). 

Tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) trong hơn một tháng qua (từ ngày 9-11 đến 15-12) đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ có độ tuổi trung bình từ 18 - 44 tuổi. Thậm chí, tại đây đã tiếp nhận trường hợp 14 tuổi cũng bị đột quỵ. Khi nhập viện, bệnh nhân này có biểu hiện đau đầu nhưng rất may chưa có rối loạn vận động. Chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị dị dạng mạch não…

Tương tự, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận điều trị trường hợp đột quỵ não nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi và nhiều trường hợp khác trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Từ đầu năm 2020 đến nay, tại đây đã cấp cứu hơn 3.000 ca đột quỵ, trong đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm khoảng 17%.

Tại Khoa Nội - Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) hiện tại cũng có khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi, với mức tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đột quỵ đặc biệt tăng ở những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”, áp lực công việc...

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh cho biết, người trẻ tuổi với thói quen ăn, uống có hại cho sức khỏe như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn sẽ đối diện các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn, dẫn tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch.

Lưu ý “thời gian vàng”

Đáng lưu ý, theo các chuyên gia, lý do là người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra với mình. Khi đến bệnh viện muộn, họ đã làm mất đi “thời gian vàng” để xử lý.

“Với người trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ. Chẳng hạn với người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì…, nên thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng có bất thường mạch máu cần được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa”, TS Anh Tuấn khuyến cáo.

Để phòng tránh sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ. Nếu người dân biết các yếu tố nguy cơ, các dấu hiệu cảnh báo, đồng thời với việc được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” đối với bệnh đột quỵ sẽ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình và cho toàn xã hội.

Bên cạnh đó, những người trẻ tuổi không nên chủ quan, không được lạm dụng rượu, bia, nhất là trong điều kiện thời tiết giá lạnh như hiện nay. Bởi vì nếu uống nhiều rượu, bia trong thời tiết giá lạnh, chất cồn lưu lại trong máu lâu (do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm) làm huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ. Người trẻ tuổi có thể đẩy lùi được đột quỵ nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh, như: Tích cực vận động thể dục, thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế tối đa rượu, bia… Khi có biểu hiện của đột quỵ, như: Yếu, liệt tay chân, méo miệng, nói khó… cần thăm khám sớm nhất có thể ở các cơ sở y tế chuyên khoa.