Không còn là “chuyện vui vẻ”

Dịp năm hết, Tết đến thường đi kèm với tiệc tùng, liên hoan, gặp mặt cuối năm hay cỗ tất niên.

Việc nâng chén sẽ khó tránh khỏi. Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, không chỉ cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, mà còn nghiêm cấm hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia trước khi lái xe.

Đặc biệt, gần đây, Cục Cảnh sát giao thông và các đơn vị chức năng đã đưa các thiết bị hiện đại vào kiểm tra nồng độ cồn. Theo đó, thiết bị này có công nghệ cảm biến thông qua hơi thở, sẽ giúp cảnh sát dễ dàng tác nghiệp tại hiện trường.

Tuy nhiên, trong khâu xử lý, truy cứu trách nhiệm người xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, lực lượng chức năng vẫn còn nhiều lúng túng?

Trên thực tế, việc mời rượu, bia trong những bữa tiệc nhiều khi xuất phát từ lòng hiếu khách, là vui vẻ, chứ không mang chủ ý gì, cũng như không lường trước được những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, sẽ thật khó có ranh giới khi ép uống bia, rượu rồi người uống gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Có băn khoăn về việc hiểu như thế nào là bắt ép? Cũng có định hướng rằng, việc nhận diện phải qua các bước, trình tự nhất định. Còn việc xử lý hình sự thì hậu quả của việc bắt ép phải gây ra những hậu quả thuộc về trách nhiệm hình sự thì mới có thể xử lý được. Đã có quy định, sau khi uống rượu, bia không được tham gia giao thông. Như vậy, nếu sau khi uống rượu, bia mà không tham gia giao thông thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra.

Thực chất, quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia, mục đích đầu tiên chính là nhằm tuyên truyền để mọi người thay đổi hành vi, thay đổi thói quen và văn hóa trong các cuộc nhậu. Bởi thông thường, là bạn bè, đồng nghiệp hay người thân thì không ai tố nhau hay kiện cáo về vấn đề bắt ép uống rượu, bia. Tuy nhiên, khi luật được đề ra thì việc bắt ép sẽ được hạn chế, mọi người sẽ có thái độ cư xử văn minh, lành mạnh hơn.

Như vậy, vẫn có những cách để phát hiện, xử lý những hành vi cố tình bắt ép người khác uống rượu, bia. Trong Luật có quy định trách nhiệm quản lý nhà nước, người đứng đầu cơ quan đơn vị, những người có thẩm quyền. Về cơ chế giám sát thì hầu hết hiện nay các quán nhậu đều có lắp camera, nên hành vi ép uống rượu, bia sẽ bị giám sát và xử lý nếu sau đó có những trường hợp xấu xảy ra. Trong những trường hợp xảy ra những hậu quả nghiêm trọng như đánh chém nhau, tai nạn giao thông, ẩu đả, phá hoại tài sản…, thì hoàn toàn có thể tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền.

Để các quy định pháp luật liên quan vấn đề trên phát huy vào cuộc sống, cần phải có quá trình hướng dẫn một cách cặn kẽ để mọi người thực hiện theo.