Điều tiết trên máy

Hơn hai tháng nay, khi cầu Thăng Long sửa chữa, lượng phương tiện được phân luồng dồn về cầu Nhật Tân. Điều này khiến áp lực giao thông đè nặng lên các tuyến đường Hà Nội như Nguyễn Hoàng Tôn, Võ Chí Công, Âu Cơ, Võ Nguyên Giáp.

Không chỉ còn giờ cao điểm mà ngay cả giờ thấp điểm, lượng phương tiện ùn ứ kéo dài đến hàng giờ liền tại các trục đường trên, ảnh hưởng rất nhiều tới trật tự an toàn đô thị và cuộc sống của người dân.

Sống trên khu vực này, trước khi ra đường, nhiều người thường phải tính đi sớm hơn thường lệ một tiếng đồng hồ để tránh tắc đường, chưa kể phải cộng thêm cả thời gian cho quãng đường cần di chuyển. Chẳng hạn, hôm nào họp cơ quan vào 8 giờ sáng thì phải đi từ… 6 giờ. Vào mỗi buổi sáng hay chiều tan nhiệm sở, chỉ một đoạn ngắn từ đường Nguyễn Hoàng Tôn rẽ ra Võ Chí Công hay ra Lạc Long Quân, hàng đoàn xe ô-tô nối nhau dài dằng dặc. Những lúc này, người đi bộ hay xe máy muốn sang đường, chỉ việc vẫy tay xin phép các bác tài rồi lách qua khe hở giữa các xe. Trục đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp lên cầu Nhật Tân cũng vậy. Có thời điểm các đoàn xe nối đuôi nhau đến tận chân cầu. Người có lịch trình di chuyển tới sân bay Nội Bài thì chắc chắn phải cộng thêm thời gian tham gia giao thông hàng tiếng đồng hồ. 

Anh Mạnh lái xe taxi di chuyển hằng ngày qua khu vực này chia sẻ, từ khi có quy định cấm ô-tô qua cầu Thăng Long để tiến hành sửa chữa, cộng với việc hoạt động của ngành hàng không đã dần khôi phục sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng phương tiện đến sân bay Nội Bài gia tăng thì áp lực giao thông chuyển sang cầu Nhật Tân rất lớn. Xe khách và các tuyến cố định trước kia đi cầu Thăng Long giờ đi cầu Nhật Tân nên mật độ đông hơn, xảy ra va chạm nhiều hơn. Trời mưa thì họ hay “bám đuôi” nhau, đâm ra chỉ cần xe đi đầu phanh gấp là ba - bốn xe sau không kịp xử lý sẽ dễ bị dồn toa.

Các cơ quan quản lý đã có phương án phân luồng từ xa nhưng tại các điểm gần, thường xảy ra xung đột. Trong khi đó, việc điều chỉnh lại hệ thống đèn tín hiệu giao thông để phù hợp tình hình thực tế lại chưa thấy triển khai. Đơn cử, tại trục đường Nguyễn Hoàng Tôn (nơi phân luồng giao thông từ đường Phạm Văn Đồng đi cầu Thăng Long chuyển sang), nhịp đèn tín hiệu xanh để đi ra các đường Võ Chí Công và Võ Nguyên Giáp rồi lên cầu Nhật Tân, lại chỉ có 20 giây. Điều này lý giải tại sao con đường này trở nên quá tải và luôn chật cứng các phương tiện. Trong khi, hệ thống đèn tín hiệu giao thông này được khởi động cách đây hai năm khi thông hai trục đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp và là những trục đường cửa ngõ to, đẹp nhất Thủ đô.

Việc sửa chữa cầu Thăng Long có thể đến hết năm 2020, do vậy phải có các biện pháp hỗ trợ cấp bách tại khu vực này như: Lực lượng CSGT điều tiết trong giờ cao điểm và xử lý khi tai nạn xảy ra; điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông; điều chỉnh tốc độ di chuyển cũng như ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông…