Đâu nhất thiết cứ phải tiền mới

Mới đây, khi đi mua hàng tại một cửa hàng tạp hóa gần nhà (ngõ 68, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội), tôi nghe thấy chị Hiền, nhà cách nhà tôi mấy căn, cũng là khách mua hàng, hỏi bà chủ cửa hàng tên Hạnh:

- Bác Hạnh ơi, năm nay nhà bác có tiền mới lì xì chưa, đổi cho cháu hai triệu đồng tiền loại mệnh giá 20 nghìn đồng và hai triệu đồng loại mệnh giá 10 nghìn đồng với?

- Chưa có đâu cháu, chắc phải vài hôm nữa con gái bác mới mang tiền về! Nghe nói năm nay Nhà nước lại không in và phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ, nên chắc là khan hiếm lắm… Mà phí đổi cao đấy nhé!

- Là bao nhiêu hả bác? Thí dụ như hai loại mệnh giá cháu định đổi ấy…?

- Con gái bác nói, phí đổi loại 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng là 20%; còn các loại mệnh giá tiền nhỏ hơn như: 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, phí đổi lên tới 30 - 40% cơ đấy.

Nghe thấy vậy, một phụ nữ mua hàng khác, tuổi trung niên xen vào:

- Làm sao mọi người cứ phải khổ sở “săn” đổi tiền mới như vậy nhỉ? Cứ tiền cũ mà lì xì mừng tuổi năm mới, hay đi lễ chùa, đền cũng đâu có sao…

Nghe câu chuyện của ba người phụ nữ, tôi thấy quả đúng là dịp cận Tết năm nào cũng vậy, rất nhiều người, nhiều gia đình cứ đua nhau đi đổi, nhờ đổi cho bằng được một ít tiền mới mệnh giá nhỏ dùng để lì xì, để đi lễ. Như vậy họ không chỉ tự làm… khổ mình, mà còn phải chịu sự thiệt thòi vì phí đổi luôn rất đắt đỏ, trung bình khoảng trên dưới 20%, nghĩa là mỗi 100 nghìn đồng bỏ ra, họ chỉ nhận được từ 70 - 80 nghìn đồng tiền mới mệnh giá nhỏ… Với những người đổi ít thì chẳng đáng là bao, nhưng những người đổi cả chục triệu tiền mới mệnh giá nhỏ thì số tiền họ phải mất là không hề ít.

Chính vì vậy, thiết nghĩ mọi người không nhất thiết phải “săn” đổi tiền mới, mà dùng những tờ tiền cũ để lì xì, mang đi lễ chùa, đền…, cũng đâu có giảm ý nghĩa. Bởi cái tâm, sự chân thành của mỗi người gửi gắm trong các tờ tiền mang đi lì xì cho người khác, mang đặt lễ để dâng cúng ở đền chùa mới là điều quan trọng!