Bữa ăn học đường

Một trong những bận tâm lớn nhất của hầu hết các bậc phụ huynh khi gửi con học bán trú tại trường là con được ăn gì. Bởi nếu việc học gì, dạy như thế nào đã có chương trình cùng đội ngũ thầy, cô giáo.

Còn trong khi đó, câu chuyện bữa ăn học đường lâu nay dường như vẫn là chuyện của từng trường học. Mà các trường học bây giờ thì thường không tổ chức nấu ăn cho học sinh mà đa số là ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh suất ăn bên ngoài. Chính vì điều này, trong thời gian qua, xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, nhẹ thì vài ba học sinh về kêu ca với cha mẹ con đau bụng, nặng thì hàng loạt học sinh phải nhập viện.

Như cách đây ít lâu, tại quận 2, TP Hồ Chí Minh có tới 98 em học sinh ở Trường tiểu học Bình Trưng Đông có biểu hiện bất thường, 20 em đã nhập viện, nghi do ngộ độc bữa ăn ở trường. Tương tự, ở huyện Đông Anh (Hà Nội) chỉ trong hai ngày đã có hai vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại hai trường tiểu học, làm 33 học sinh ngộ độc thực phẩm…

Ngộ độc thực phẩm sau khi ăn ở trường chỉ là một chuyện. Còn vấn đề nhiều người lo lắng nữa là chất lượng bữa ăn. Nhiều trường học thu từ 22 nghìn - 30 nghìn  đồng cho một bữa ăn ở trường tiểu học. Tuy nhiên, thực phẩm trong bữa ăn thì lại hết sức “đạm bạc”, không đủ dinh dưỡng cho trẻ. Đơn cử như mới đây, nhiều phụ huynh ở quận Long Biên, Hà Nội bức xúc khi bữa ăn của con mình (trị giá 22 nghìn đồng) nhưng chỉ có rau muống luộc, nước rau, vài miếng trứng rán cùng đậu phụ. Hay suất cơm bán trú của học sinh Trường tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) giá 27 nghìn đồng chỉ có cơm, ít rau bắp cải xào thịt bò, canh bí và bốn - năm con tôm nõn rim.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường tiểu học Phước Long 1 (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cũng bị xà xẻo. Cụ thể ngày 6-10, nhà bếp mua thực phẩm cho bữa ăn chính là 15,7 triệu đồng, còn thừa hơn 1,8 triệu đồng so số tiền học sinh đóng vào ngày hôm đó. Điều ấy suy ra bữa ăn của mỗi học sinh bị “xẻo” gần 2.000 đồng/em…

Không ít phụ huynh khi đón con đều gặp tình huống con kêu đói, cho dù lúc trẻ cấp tiểu học tan học ở nhiều nơi là 16 giờ 15 phút, khá sớm so bữa ăn ở gia đình vào khoảng 18 giờ. Và cũng không khó để thấy, quanh các cổng trường có nhiều quán ăn phục vụ cho học sinh tan học. Điều ấy có thể là một tín hiệu cảnh báo cho không chỉ phụ huynh mà cả các nhà quản lý nếu thật lòng quan tâm đến bữa ăn học đường cũng như sức khỏe thể chất của học sinh.

Khi xảy ra những sự vụ, thì câu chuyện bữa ăn học đường mới bị mang ra mổ xẻ. Đây là một lỗ hổng cần nhanh chóng được chú ý và quan tâm đúng mức. Bản thân các phụ huynh khó có thể đảm đương việc giám sát chất lượng, giá cả của các suất ăn học đường. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến chuyện bữa ăn của trẻ ở trường như thầy, cô quan tâm đến giảng dạy. Vì bữa ăn có đủ dinh dưỡng, an toàn thì cơ thể trẻ mới phát triển đầy đủ, có khỏe thì mới học tốt được.