Bài toán hài hòa khi di dời

Lại nói chuyện về quy hoạch vùng nội đô lịch sử đang được và sẽ còn được cả Hà Nội quan tâm, bàn luận, thì thấy riêng ở mục tiêu sẽ di chuyển hàng trăm nghìn người từ khu vực này đến nơi ở khác, đã là một ý tưởng lớn lao, quan trọng lắm!

Không hệ trọng sao được khi việc đó liên quan đến đời sống, tương lai của bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình. Mà mỗi hộ, mỗi khẩu, rất không nên được quan niệm một cách đơn giản chỉ là một đơn vị người, một số lượng đối tượng cần phải di chuyển. 

Trước đây từng có một số điểm trong khu phố cổ Hà Nội được tổ chức di dời các hộ dân sang Long Biên. Từng có những dự định di chuyển lớn. Thế nhưng thực tế cũng đa dạng lắm, có khi là “nhất trí mỗi người một ý”, nên chưa đạt được như mong muốn. Có thể nhận thấy ngay sự gắn bó của rất nhiều người với khu vực phố cổ, không chỉ ở ý nghĩa tình cảm, thói quen, nếp sinh hoạt. Mà rất quan trọng là về hiệu quả mưu sinh. Ở trong phố, các hoạt động nghề thủ công, các dịch vụ nhỏ, lẻ có cơ hội tồn tại, đem lại thu nhập cho người ta để sống. Còn ở nơi hoàn toàn mới, thiếu điều kiện về khách hàng, nhu cầu xã hội, tiếp xúc thường xuyên, đi lại gần, thuận tiện như ở trong phố đang có, thì không ít người hoang mang, biết xoay xở thế nào!

Ngược lại, lại có những nhà “thoát” được ra rồi thì thấy như đời sang trang! Bởi vì sống chật sống hẹp, ra đụng vào chạm, sống chung nhà vệ sinh như nhiều cụm gia đình ở trong phố cổ Hà Nội những hàng chục năm, những nửa đời là… quá khổ. Được sang chỗ mới, căn hộ, phòng ốc, công trình phụ riêng rẽ “nhà mình”, không gian rộng, thoáng…, quả là sung sướng! Còn về công việc, thì người ta cũng dần dần tìm kiếm, sắp xếp được. Có người thấy lại tiếc mình đã dùng dằng cân nhắc mãi mà không chịu đi, thế là lỡ dịp.

Như thế, để thấy người dân sống trong khu vực được gọi là nội đô lịch sử, là rất đa dạng về hoàn cảnh, mức sống, đặc thù sinh hoạt, nếp sống, lối sống và cả cách nghĩ nữa. Cho nên, muốn hàng trăm, hàng nghìn, hàng trăm nghìn người dân đồng thuận cho chủ trương và những cuộc di dời tương lai, thì cũng không phải là điều đơn giản. Dù mục đích tươi đẹp, chính là để cho một Thủ đô hài hòa trong bảo tồn và phát triển, thì cũng không phải lúc nào cũng đưa những mục tiêu lớn lao ra để thuyết phục được. Mà cần giúp mọi người thấy được cụ thể, thiết thực nhất về những hiệu quả gắn liền cuộc sống người ta, trong mưu sinh, làm lụng, sinh hoạt, giải trí, nghỉ ngơi… Các đối tượng khác nhau, độ tuổi, đặc trưng nghề nghiệp, đặc thù phân bố không gian sống, điều kiện sống… cũng rất cần được nhận rõ để từ đó nghiên cứu cụ thể các phương thức di dời, hợp tác Nhà nước và nhân dân cùng làm, các phương thức hỗ trợ, giúp đỡ, trách nhiệm tạo công ăn việc làm… 

Mục tiêu di dời được đặt ra trong lâu dài. Từng bước “tìm hiểu đối tượng” để lo toan cho nơi ở mới của họ, cũng không thể ngày một ngày hai. Vì thế, cần bắt đầu sớm để tránh những hiện tượng bất đồng, thiếu tiếng nói chung hoặc khiên cưỡng sau này.