Ẩn họa từ “mốt” đạp xe trên phố

- Dạo này đi đâu cũng thấy người ta đạp xe!

Bên ly cà-phê sáng, bạn tôi rời chiếc điện thoại trên tay, có vẻ gay gắt. Tôi bảo: “Đạp xe cũng tốt mà…”. Chưa nói hết câu, bạn tôi đã gắt: 

- Tốt gì mà tốt! Chỉ tổ gây mất an toàn giao thông!

Thì ra, trên đường đi sáng nay, bạn tôi suýt nữa thì gặp rắc rối bởi sự cố va chạm giao thông với một nhóm người đạp xe thể dục buổi sáng. Bạn kể, đang đi thì mấy xe đạp phía trước ngoắc tay lái vào nhau, ngã chổng ra đường. Chỉ chậm đạp phanh chút xíu thì khó mà ngồi đây thưởng thức ly cà-phê buổi sáng. 

Nghe bạn kể, tôi cũng cảm thấy rùng mình. Đúng là nếu không nhanh xử lý, hẳn chiếc xe ô-tô bạn tôi mới mua tháng trước sẽ trở thành phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn giao thông, chưa biết chừng sẽ khiến một trong những người đạp xe trên phố ấy phải nhập viện. 

Quả thực, nếu chỉ nhìn bằng một sự hoài cổ có phần lãng mạn, thì câu chuyện ngày càng có nhiều người đạp xe trên phố sẽ là một phong trào kiểu như “sống chậm”, “sống xanh” rất đáng cổ vũ. Rồi chuyện các câu lạc bộ chơi xe đạp cổ vẫn tụ lại sinh hoạt nhóm ở đâu đó quanh khu công viên, ven hồ nào đó cũng “hay hay”. Thế nhưng, nếu để ý kỹ, sẽ thấy đây là một câu chuyện giao thông rất đáng quan ngại.

Đường phố của những đô thị vốn chật chội, phương tiện giao thông như ô-tô, xe máy ngày một tăng. Chỉ riêng điều này thôi đã là “không thuận” cho việc xuất hiện ngày càng nhiều người đạp xe trên đường, trên phố. Khi trên đường, trên phố không có biển cấm thì các phương tiện vẫn được phép tham gia giao thông một cách bình đẳng. Đành là thế. Nhưng nếu có dịp quan sát sự tham gia của các phương tiện xe đạp trên đường, trên phố nhiều người sẽ thấy chủ phương tiện có nhiều phần chủ quan.

Như ở Hà Nội, không chỉ đạp xe vào sáng cuối tuần vắng vẻ, nhiều người đạp xe ra phố vào sáng thứ hai, len lách giữa những dòng xe vào giờ tan tầm. Một số người rủ nhau luyện tập đạp xe hàng đôi trên cầu Nhật Tân gió lộng. Thậm chí, có gia đình bố mẹ, con cái cùng đạp xe lên cầu Nhật Tân và nguy hiểm hơn là cả đại lộ Võ Nguyên Giáp, nơi cấm phương tiện xe thô sơ lưu thông như một cách luyện tập thể thao tiện thể “hóng gió sông Hồng”. Lại có cả những vận động viên chuyên nghiệp cũng “lao xe ra phố” để luyện tập…

Trong thời gian qua, không ít vụ va chạm giao thông đã xảy ra giữa các phương tiện giao thông với người đi xe đạp và xe đạp điện. Nhẹ thì xây xát, chảy máu; nặng thì gãy chân, tay thậm chí tử vong. Ai sai đều bị xử phạt, đều phải bồi thường. Thôi không đề cập tới những vụ phải bồi thường oan do xe đạp đi phía trước loạng choạng ngã ra đường khiến xe sau đâm phải. Chỉ mong muốn, trong khi ở một đô thị đang phát triển, chưa có những con đường, khu phố dành riêng cho các loại phương tiện có tốc độ khác nhau thì cần hết sức cân nhắc khi tham gia giao thông. Nhất là việc đạp xe trên phố. Xin đừng là cuộc đua của “mốt”. Xin đừng tụm năm, tụm ba vừa đạp xe vừa trò chuyện. Nguy hiểm lắm! Nguy hiểm cho mình, nguy hiểm cho người!