Ngôi nhà gắn kết yêu thương

Tại Thủ đô Hà Nội có một ngôi nhà thật đặc biệt, nơi các bạn trẻ sau khi bước ra từ các trung tâm bảo trợ xã hội trên cả nước sẽ nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ để có thêm kỹ năng bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn quyết định cuộc đời của mỗi con người. Nơi đó gọi là “Ngôi nhà chuyển tiếp”.

Gia đình “Ngôi nhà chuyển tiếp” quây quần bên bữa cơm tối.
Gia đình “Ngôi nhà chuyển tiếp” quây quần bên bữa cơm tối.

“Sau khi đủ 18 tuổi và rời trung tâm bảo trợ xã hội để chủ động với cuộc đời, thời điểm này, các bạn trẻ rất dễ vấp phải những cám dỗ bên ngoài như nạn buôn bán người, tệ nạn ma túy, mại dâm… Chính vì vậy, dự án “Ngôi nhà chuyển tiếp” đã được ra đời. Đến nay, dự án đã giúp đỡ hàng chục bạn trẻ hoàn thiện kỹ năng sống để tiến tới ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Nhiều em trong số đó đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định”, chị Đinh Thị Lan Hương, người điều phối dự án cho biết.

Đúc kết được một số kinh nghiệm từ sau khi tham gia trương trình Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ, Đông - Nam Á (YSEALI), năm 2016, khi về Việt Nam chị Hương đã thành lập dự án “Ngôi nhà chuyển tiếp”. Cùng với Hương, dự án còn nhận được sự giúp đỡ rất lớn của gia đình anh Đoàn Viết Long và chị Nguyễn Thị Xuân. Gia đình anh chị đang sinh sống cũng chính là mái nhà nuôi nấng các em. Vậy là từ chỗ phải bơ vơ giữa dòng đời, các em dần có tất cả: có bố mẹ, có thêm nhiều anh chị em, được tiếp tục đi học và hơn tất cả là được yêu thương.

Gia đình anh Long, chị Xuân có hai con nên khi tiếp xúc với những bạn trẻ gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với xã hội, họ rất thông cảm và thấu hiểu. Xuất phát từ sự cảm mến đó, anh chị đã tham gia dự án, tiếp nhận những bạn trẻ về sống cùng nhà với mình và các con. Anh Long chia sẻ: “Các con từ nhiều hoàn cảnh, tính cách, văn hóa khác nhau nhưng khi cùng về đây sống chung, ngôi nhà giống như một cầu nối, giúp các con được cảm nhận bầu không khí gia đình để sau này bước ra ngoài sẽ vững vàng hơn”.

Với quan điểm không ai có thể lựa chọn cuộc đời của mình, chính vì vậy, trước khi tiếp nhận, anh Long và chị Xuân đều tìm hiểu và lập ra kế hoạch cho mỗi bạn. Việc đầu tiên là làm cho các bạn thoát khỏi mặc cảm mình là người có hoàn cảnh khác biệt. Rồi bằng tình yêu, sự quan tâm, cảm hóa, anh chị khiến các thành viên dễ dàng chia sẻ những định hướng, giúp nhau lên kế hoạch để phát triển năng lực bản thân.

Tình cảm gắn kết, bầu không khí gia đình, lòng thương yêu, bao dung của anh Long, chị Xuân là nguồn cảm hứng giúp nhiều bạn trẻ bước ra từ ngôi nhà thêm sự tự tin để có những hành động giúp ích cho xã hội. Không chỉ nhận thức tốt hơn về cuộc đời, các bạn đã có ý thức xây dựng và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như mình để mang lại những điều tốt đẹp hơn.

Bạn Chu Thiên Hương, hiện đang là giáo viên mầm non của một trường trên địa bàn TP Hà Nội, một người con trưởng thành từ “Ngôi nhà chuyển tiếp” chia sẻ: “Khi ra Hà Nội, em chưa biết mình sẽ làm gì, sống như thế nào thì được giới thiệu đến “Ngôi nhà chuyển tiếp”. Thời gian ở đây đã để lại cho em những kỷ niệm đẹp nhất. Vì vậy, sau khi rời nhà em thường xuyên tham gia các nhóm công tác xã hội, đi đến những vùng sâu, vùng xa và tâm niệm những việc làm đó là để tri ân tấm chân tình của mà mọi người đã dành cho em”.

Còn với bạn Đoàn Thị Duyên, sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Hòa Bình, hiện đang sống tại “Ngôi nhà chuyển tiếp” thổ lộ mong muốn sau nay: “Sau khi rời ngôi nhà, có cuộc sống vững vàng hơn, em cũng muốn đóng góp một phần nào trong dự án của chị Lan Hương để giúp các bạn trẻ giống như em có được cuộc sống đầy đủ hơn”.

Với chị Lan Hương, các bạn như những đứa con mình sinh ra. Khi các bạn tìm đến, trong đầu chị luôn có một câu hỏi: “Nếu con ruột đến nói với mình câu chuyện như vậy, kể cho mình những điều như vậy thì mình sẽ làm gì?”. Chính câu hỏi đó là “kim chỉ nam” giúp chị có thêm sức mạnh duy trì dự án. Thông qua đó, chị muốn các bạn cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của những người trong dự án và luôn cảm thấy an toàn trong ngôi nhà. Và quan trọng hơn cả là họ có thể xây dựng lại được niềm tin tưởng với cộng đồng xã hội.