Một sân chơi bổ ích cho giới trẻ

Được duy trì trong suốt tám năm qua, vòng chung kết cuộc thi “Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam” (VSIC) năm 2019, do Trường đại học Ngoại thương Hà Nội tổ chức đã chọn chủ đề “Khởi nghiệp giải quyết các vấn đề môi trường”, quy tụ nhiều sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp xã hội từ các bạn trẻ.

Các đội thi so tài trong đêm chung kết.
Các đội thi so tài trong đêm chung kết.

Từ thông điệp sống “xanh”...

Chiến thắng thuyết phục trong cuộc tranh tài với gần 100 dự án tham gia cuộc thi năm nay, đội Green Power đến từ Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đề xuất giải pháp sử dụng pin vỏ trấu - pin thân thiện với môi trường, giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Bạn Huỳnh Quốc Tuấn (sinh viên năm thứ 3 khoa Công nghệ Sinh học), thành viên của dự án cho biết, việc xả thải pin và ắc-quy truyền thống với nhiều kim loại độc hại đang hằng ngày tạo ra gánh nặng cho môi trường, trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Bởi vậy, các thành viên của Green Power đã nghiên cứu ra các sản phẩm sạc dự phòng, pin cúc áo với thiết kế nhỏ gọn. Pin, với thành phần thay thế là vỏ trấu sẽ giúp hạn chế ô nhiễm môi trường. Những tín hiệu khả quan này cho thấy Green Power đã chứng minh được khả năng tiên phong trong việc tìm ra giải pháp thay thế - vấn đề “đau đầu” nhất của ngành công nghệ năng lượng tại Việt Nam hiện nay để hướng tới những giá trị “xanh”, thân thiện môi trường và mang lại thu nhập cho nông dân.

Cũng trăn trở với những vấn đề môi trường gắn với nông nghiệp - nông thôn, đội Vibale với dự án Việt Nam Banana Leaf tìm giải pháp thay thế ly, đĩa, hộp xốp dùng một lần bằng các sản phẩm làm từ cây và lá chuối cũng như tận dụng nguồn phụ phẩm quả sau thu hoạch trong nông nghiệp. Vũ Khánh, thành viên của nhóm cho biết: “Chúng ta có ly giấy thay ly nhựa, ống hút làm từ cỏ, gạo, giấy thay cho ống hút nhựa nên việc chúng tôi dùng đĩa lá, hộp lá chuối thay cho hộp xốp cũng là một giải pháp nhằm góp phần giảm thiểu lượng rác thải từ nhựa sử dụng một lần tại Việt Nam. Ngoài ra, điều này còn tạo thêm việc làm và nguồn thu cho bà con vùng nguyên liệu”.

Còn dự án Smart Eco - Char lại nghiên cứu việc tạo ra các lò đốt than di động không khói, được lắp đặt trên xe ben để thuận lợi cho việc đốt rác thải hữu cơ. Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp chính là nguyên liệu tốt nhất để tái sản xuất, dự án Smart Eco - Char đã mang đến cuộc thi lời giải cho việc làm thế nào để hạn chế lãng phí nguyên liệu và góp phần bảo vệ môi trường.

... hướng tới hành động “xanh”

Sức hấp dẫn của cuộc thi là việc nhiều dự án đã được triển khai thực tế chứ không chỉ là ý tưởng khởi nghiệp hay đang trong quá trình ươm tạo. Chẳng hạn dự án Green Life đã chọn hướng thay đổi thói quen phân loại rác để tuyên truyền lối sống “xanh” cho mọi người bằng các hoạt động đổi rác tái chế lấy cây và các sản phẩm thân thiện môi trường. Bạn Hoàng Quý Bình (sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội), trưởng nhóm Green Life cho biết, sau một năm hoạt động, nhóm đã thu về hơn 100 tấn rác tái chế, mang gần 2.000 cây xanh tới cho các cư dân trong thành phố. Ngoài ra, nhóm còn tận dụng nguồn sách báo trong quá trình thu gom để xây 200 tủ sách tại các trung tâm bảo trợ, trường học vùng sâu, vùng xa.

Với dự án pin vỏ trấu, các “nhà khoa học” trẻ đã phát triển thành một dự án khởi nghiệp trong nhà trường. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia là các thầy, cô của Trường đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các sản phẩm này đã dần hoàn thiện. Nhóm cũng đã hợp tác cùng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng để chuẩn hóa công nghệ. Theo bạn Nguyễn Thị Ánh Tuyết, trong thời gian tới, nhóm sẽ hoàn thiện hồ sơ sở hữu trí tuệ liên quan đến quy trình công nghệ sản xuất pin sạch từ vỏ trấu với mục tiêu xây dựng quy trình sản xuất công nghiệp quy mô lớn, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư và nỗ lực để đưa sản phẩm ra thị trường.

Đánh giá cao các dự án tham gia cuộc thi, PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương Hà Nội nhấn mạnh, qua bảy kỳ tổ chức, VSIC 2019 luôn tìm kiếm những sáng kiến kinh doanh, giúp giải quyết các vấn đề xã hội, hướng tới mục tiêu vì một xã hội phát triển bền vững. VSIC đã trở thành một “sân chơi” bổ ích cho giới trẻ, ngày càng mở rộng quy mô, tầm vóc và mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng.