Hỏi & Đáp

Bạn đọc:

Tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học (ĐH) năm nay, em thấy một số trường có thêm cách tuyển sinh qua phỏng vấn. Nhưng cách này khá mới với học sinh chúng em. Thời Nay có thể tư vấn cách để ghi điểm nếu chọn phương án thi này không? (Phạm Chí Dũng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Thời Nay:

Hình thức tuyển sinh qua phỏng vấn đã được một số trường tổ chức xét tuyển trong một vài năm trở lại đây như Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), ĐH trực tuyến FUNIX, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK) - Đại học Đà Nẵng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (chuyên ngành Quay phim truyền hình và Ảnh báo chí), ĐH Fullright Việt Nam, ĐH VinUni… Mới đây, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng dự kiến sẽ sử dụng phương án xét tuyển thông qua phỏng vấn để tuyển sinh.

Thông thường một buổi phỏng vấn tuyển sinh kéo dài 20 - 30 phút. Nội dung phỏng vấn của các trường chủ yếu xoay quanh những vấn đề như:  Lý do chọn ngành theo học tại trường, những thành tích và kinh nghiệm đạt được, định hướng nghề nghiệp trong tương lai, sở thích cá nhân và các hoạt động ngoài học thuật, ưu và nhược điểm của bản thân…

Với một số chương trình học chuyển tiếp nước ngoài, việc phỏng vấn còn có thêm phần trao đổi về khả năng chuyển tiếp, năng lực tài chính của người học. Ngoài ra, tùy theo từng trường mà thí sinh có thể sẽ phải trả lời một số câu hỏi chuyên sâu, trình bày quan điểm cá nhân, thậm chí “phỏng vấn ngược”… để đánh giá về tư duy, kỹ năng, khả năng suy luận của thí sinh.

Để buổi phỏng vấn đạt kết quả tốt nhất, thí sinh phải theo dõi lịch phỏng vấn trên website của các trường cũng như tham khảo video mẫu, học hỏi kinh nghiệm từ các cựu thí sinh. Thí sinh cũng có thể tập nói trước gương, thử mô phỏng một buổi phỏng vấn với gia đình, bạn bè. Nếu chọn phương thức này, bạn đừng quên xác nhận chính xác thời gian và địa điểm phỏng vấn.