Hiểu rõ về thiện nguyện

Không chỉ được tìm hiểu về các tổ chức phi lợi nhuận, đến với sự kiện “NPO Fair - Hội chợ Phi lợi nhuận” do Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN vừa tổ chức, đông đảo sinh viên còn được hướng dẫn cách trao đi bền vững và trang bị kỹ năng để trở thành các tình nguyện viên (TNV) công tác xã hội. 

Các diễn giả chia sẻ về những điều cần biết trước khi tham gia công tác thiện nguyện.
Các diễn giả chia sẻ về những điều cần biết trước khi tham gia công tác thiện nguyện.

Cần tích lũy những gì?

Bàn về câu chuyện tố chất cần có của một TNV tại các tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội, ông Châu Hoàng Mẫn, Giám đốc Tổ chức SDRC (Social work & Community Development Research & Consultancy) cho rằng, điều quan trọng nhất chính là đam mê. Khi thật sự yêu thích công việc thiện nguyện và biết tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết, người trẻ sẽ sớm thích nghi với các dự án cộng đồng. Mỗi doanh nghiệp xã hội, mỗi dự án phi lợi nhuận luôn mang dáng dấp của mô hình khởi nghiệp mới mẻ và đầy thách thức, đòi hỏi các thành viên tham gia phải không ngừng trau dồi, tìm cách thích nghi. Để hết mình trong công tác cộng đồng, trước tiên người trẻ phải xóa bỏ được suy nghĩ “làm từ thiện”, thay vào đó bằng sự cho đi bền vững, từng bước phát triển bản thân.

Làm phép so sánh nhỏ về tinh thần trách nhiệm của một số TNV Việt Nam với các TNV quốc tế tại đơn vị mình trong nhiều năm qua, ông Mẫn cho rằng vẫn còn độ vênh khá lớn. Trong khi các TNV quốc tế luôn muốn thêm việc để làm thì nhiều TNV Việt Nam thụ động ngồi im đợi giao việc. “Trước khi đăng ký hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ xem mọi thứ có phù hợp với mình hay không. Việc một số tổ chức ép TNV phải làm này, làm kia dẫn đến tình trạng làm thiện nguyện kiểu đối phó, rất không nên. Vấn đề là chúng ta tìm hiểu và thực hiện đúng cam kết đưa ra từ đầu, tập trung vào những bước cụ thể để đạt được mục tiêu bản thân mong muốn trong từng dự án”, ông Mẫn chia sẻ.

Trong khi đó, bà Huyền Tôn Nữ Cát Tường (đồng sáng lập, Giám đốc điều hành tổ chức Vietseeds Foundation) cho rằng, khả năng liên ngành và tinh thần tự học sẽ giúp các TNV trẻ sớm thích nghi và đạt được kết quả tốt trong quá trình làm thiện nguyện. Nếu sợ thách thức, khó khăn thì rất khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thiện nguyện không còn là công việc toàn thời gian, nó là “cuộc sống”. Vì vậy, khi đã là TNV, bạn phải toàn tâm toàn ý, biết giá trị bản thân ở đâu để cho đi theo cách hiệu quả nhất.

Cho đi bền vững

Theo ông Nguyễn Tiến Danh, Chủ tịch Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng, các hoạt động cộng đồng cũng cần có tính tiên phong chứ không thể cứ lặp đi lặp lại. Như vậy, ngoài đam mê, mỗi TNV cần có cái tâm và những hiểu biết thật sự về công việc này. Sẽ hiệu quả hơn nếu các TNV có những công việc để tự lo những chi phí nhỏ trong quá trình tham gia dự án, tránh tình trạng sử dụng nguồn quỹ kêu gọi từ cộng đồng. Khi có khoản thu nhập nhỏ và tận dụng khoảng “thời gian lãng phí” mỗi ngày cho các dự án cộng đồng, lúc đó bản thân mỗi người đã hoàn thành tốt vai trò của một TNV tại các tổ chức phi lợi nhuận.

Được triển khai từ đầu năm 2021 tại bốn cơ sở giáo dục đại học ở TP Hồ Chí Minh, chương trình “Giving Well University Tour 2021 - Đầu tư vào tương lai” đã giúp nhiều bạn trẻ hiểu rõ thế nào thiện nguyện, nâng cao nhận thức về cách trao đi hiệu quả, có môi trường thực hành công tác xã hội bài bản, chuyên nghiệp tại nhiều tổ chức phi lợi nhuận. Sau khi có được cái nhìn khái quát về công tác xã hội và những kiến thức, kỹ năng cần thiết, các bạn còn được tham gia hội chợ “NPO Fair” để trải nghiệm thực tế mô hình thiện nguyện. Hơn 10 tổ chức phi lợi nhuận mang đến hội chợ đặc biệt này những góc nhìn khác nhau về thiện nguyện để người trẻ tự cảm nhận cái hay, điều cần thiết trước khi quyết định nên hay không nên tham gia làm TNV. 

Nguyễn Phương Mai (Trường đại học Hoa Sen) cho biết, trước và sau khi đến hội chợ này, em đã biết rõ hơn về công tác xã hội: “Trước giờ em vẫn chưa phân biệt được thiện nguyện và từ thiện, luôn hoài nghi về tính minh bạch, hiệu quả của các mô hình công tác xã hội. Thế nhưng khi được tìm hiểu sâu và nghe những người trong cuộc nói về cái hay, cái khó của các tổ chức phi lợi nhuận, dự án cộng đồng, em mới biết mọi thứ không hề đơn giản và không phải cứ có tiền là làm được. Sau chương trình này em sẽ rèn thêm một số kỹ năng rồi đăng ký thực tập ngắn hạn tại một tổ chức phi lợi nhuận để có thêm trải nghiệm”.