“Bóng cười” - Từ ảo giác đến hệ lụy

Trong tiếng nhạc sôi động mở hết âm lượng tại hàng loạt quán bar nhỏ trên đường Bạch Đằng (TP Đà Nẵng) mỗi khi đêm đến là hình ảnh nhiều bạn trẻ lắc lư với shisha, rượu, bia và thuốc lá. Sau khi hít sạch N2O trong một, hai, thậm chí năm quả bóng cười, không ít bạn trẻ mơ màng cười nói, mất kiểm soát hành vi.

Những bạn trẻ say sưa với bóng cười là hình ảnh thường thấy tại các quán bar ở Đà Nẵng.
Những bạn trẻ say sưa với bóng cười là hình ảnh thường thấy tại các quán bar ở Đà Nẵng.

Đêm đầy ảo giác

Gần 23 giờ đêm, các quán rượu, bar nhỏ dọc theo đường Bạch Đằng, TP Đà Nẵng vẫn xập xình nhạc và mờ trong khói thuốc. Khách hàng của những tụ điểm này phần lớn là học sinh, sinh viên. Vào vai nhóm thanh niên muốn trải nghiệm các chất kích thích, chúng tôi được các nhân viên quán S. hào hứng mời chào mua “bóng cười”. Mỗi trái bóng được nhân viên bơm đầy khí N2O ngay tại quầy có giá bán 100.000 đồng. Liếc sang hai bàn chung quanh, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy hơn 10 bạn trẻ thi nhau hít hàng chục trái bóng có mầu trắng. Quan sát nhóm bạn trẻ tham gia bữa tiệc trong vòng hai giờ đồng hồ, chúng tôi hoang mang khi tận mắt chứng kiến cảnh nhiều bạn ngậm sáu, thậm chí bảy quả bóng. Những tràng cười bắt đầu nổi lên, át cả tiếng nhạc của DJ trên sân khấu. Phía bên ngoài, rất nhiều xe ô-tô dừng lại và chỉ 30 giây sau là nhân viên của quán đã mang theo hai, ba quả “bóng cười” giao tận tay cho khách.

Trong bầu không khí vô cùng ngột ngạt bởi N2O và shisha, khói thuốc... NLV, sinh viên ngồi cạnh chúng tôi vừa cầm quả “bóng cười” vừa vui vẻ nói: “Ban đầu em hít chưa thấy gì nhưng cứ xong một quả là thấy lâng lâng, cảm giác thích lắm. Tụi bạn em hít rất cừ. Hít xong tụi em thường uống rượu, nhảy nhót, có khi hút thêm shisha. Cái này không phải chất cấm nên tụi em cũng không ngại”.

Một bạn trẻ ngồi bàn đối diện mời chúng tôi dùng thử để biết cảm giác thích thú mà “bóng cười” mang lại. “Mấy cái này người ta không cấm thì mình cứ chơi thoải mái. Mấy anh chị cứ thử đi, thích lắm!”, bạn nam mơ màng đung đưa theo nhạc khoe với chúng tôi.

Đừng chủ quan với “bóng cười”

Vốn là một chất tiền gây mê nay đã ít được sử dụng trong y học, vài năm trở lại đây, N2O được giới trẻ ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng biết đến với tên gọi “bóng cười”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi tối, tại một quán rượu, quán bar nhỏ ở TP Đà Nẵng có thể bán hàng trăm quả “bóng cười”, mang lại nguồn lợi rất lớn. Người bán công khai, người mua chẳng e dè và người sử dụng thì cứ thoải mái hít hết quả này đến quả khác.

Với một thao tác đơn giản là gõ cụm từ “bóng cười Đà Nẵng” trên Google, chỉ trong 0,36 giây, chúng tôi đã thấy có hơn 8,1 triệu kết quả. Tại các trang mạng xã hội, “bóng cười”, bình khí N2O được bày bán công khai với mức giá cạnh tranh và những lời hứa hẹn “có cánh” như khí cười tinh khiết nhập trực tiếp từ Trung Đông, Ấn Độ, không gây hại, người bạn không thể thiếu cho bữa tiệc thêm vui… Giá bán mỗi quả “bóng cười” dao động từ 80.000 - 100.000 đồng. Ngoài ra, các cửa hàng còn bán công khai bình khí N2O dung lượng từ 1 kg đến hơn 20 kg để khách tùy nghi sử dụng.

Không bị cấm hay thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nhưng theo các bác sĩ tâm thần, nếu sử dụng thường xuyên và với lượng lớn, N2O có trong “bóng cười” sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường cho hệ thần kinh trung ương, hệ hô hấp, thậm chí có thể khiến người sử dụng bị sốc khí dẫn đến tử vong. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất mà người hít bóng cười dễ gặp phải là tình trạng mất khả năng điều khiển hành vi, rối loạn trí nhớ, loạn nhịp tim, hạ huyết áp và tổn thương não vĩnh viễn.

Theo Ths, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng “bóng cười” nói riêng và các chất kích thích khác nói chung là vấn nạn cần báo động: “Chúng ta nên sớm có luật để cấm sử dụng chất này. Tuy bản chất nó không gây hại nhưng nếu dùng nhiều, trong thời gian dài thì không thể không có tác động tiêu cực. Chưa bàn đến việc ngộ độc, rối loạn hành vi, “bóng cười” sẽ khiến người sử dụng giảm trí nhớ và giảm khả năng chú ý. Điều này rất tai hại với người trẻ vì ảnh hưởng học tập, công việc. Khi rối loạn khả năng tập trung, chúng ta không thể làm tốt mọi việc, chưa kể đến việc khi cơ thể có những thay đổi bất thường về cảm xúc, những biểu hiện lạ trong hành vi thì hậu quả về lâu dài sẽ là suy giảm nhận thức”.