Xây cầu, đường cho người nghèo

Nằm trong Chương trình xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) được gọi là những công trình dành cho người nghèo.

Cầu Tân Tây là cây cầu đầu tiên thuộc dự án LRAMP được khởi công trên địa bàn cả nước.
Cầu Tân Tây là cây cầu đầu tiên thuộc dự án LRAMP được khởi công trên địa bàn cả nước.

Hợp phần cầu dân sinh là một trong ba hợp phần chính thuộc dự án LRAMP do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Hiện dự án đang triển khai nhanh một năm so kế hoạch, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân những vùng khó khăn dễ dàng tiếp cận với văn hóa, y tế, giáo dục…

Kỳ 1: Sức lan tỏa từ những cây cầu LRAMP

Phá thế “ốc đảo”

Sắp bước sang Tết thứ ba người dân làng Tân Tây (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) - nơi khởi công dự án cầu LRAMP đầu tiên trên cả nước, được đón Giao thừa bên cây cầu bê-tông vững chắc. Bắc qua sông Bà Rén, cầu Tân Tây dài 197 m, rộng 3 m, có khoảng rộng ở giữa đủ cho hai ô-tô tránh nhau. Đặc biệt, hệ thống lan-can, trụ cổng cầu còn tạo điểm nhấn với hoa văn, kiến trúc đậm nét văn hóa Chăm của vùng đất Thánh địa Mỹ Sơn.

Thong thả vác cuốc về nhà sau buổi làm đồng, ông Phạm Xân, người dân làng Tân Tây vui mừng cho biết: Giờ tôi chỉ cần “đi vèo” chục phút xe đạp là có thể đến trung tâm thị trấn Nam Phước, ra quốc lộ 1 đưa nông sản đi bán. Ngày trước muốn đến những nơi trên, dân làng phải đi vòng qua huyện khác mất gần tiếng đồng hồ, cực lắm!

Làng Tân Tây có 113 hộ, sống dựa vào nông nghiệp nhưng toàn bộ diện tích canh tác lại nằm ở làng Mỹ Long, chia cắt bởi sông Bà Rén. Mãi năm 2001, Tân Tây mới có được cây cầu phao ghép từ thùng phuy và ván gỗ bập bềnh. Năm nào cũng có người té sông nên cầu phao là kỷ niệm buồn với nhiều gia đình có người thân bị ngã đuối nước. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết: Khi có chủ trương đầu tư xây dựng cầu bê-tông kiên cố, dân làng Tân Tây hết sức phấn khởi, tự nguyện hiến đất tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công. Không chỉ phá thế “ốc đảo”, thỏa ước nguyện bao đời của dân làng, cầu Tân Tây còn giúp cho việc buôn bán, đi lại của nhân dân thị trấn Nam Phước và xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn được thuận lợi hơn.

Câu chuyện giao thông đi trước mở đường, tạo sức lan tỏa để phát triển đang dần thành hình ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số hết sức khó khăn. Đến Tây Giang - một huyện nghèo với 90% là người dân tộc Cơ Tu ở Quảng Nam mới cảm nhận hết được ý nghĩa của những cây cầu LRAMP. Trên đường đất lầy lội, quanh co dẫn vào xã A Dang có một con đường bê-tông đang được gấp rút xây dựng. Ông Hoih Danh, Chủ tịch UBND xã A Dang, huyện Tây Giang cho biết: “Nhờ có cầu Suối R’Xau, cầu A Ranh… người Cơ Tu mới cho con cái đi học hành, buôn bán, giao thương với bên ngoài. Cũng nhờ có cầu, huyện mới quyết định đầu tư cho A Danh con đường bê-tông thuận tiện nối ra trung tâm”.

Cũng tại Quảng Nam, có những công trình kết nối đôi bờ rất nhỏ như Cống Đồng Cốn, Cống Vôi (xã Quế Phong, huyện Quế Sơn) nhưng ý nghĩa mang lại cho bà con nơi đây vô cùng lớn. Ông Hồ Văn Năm, Trưởng thôn Gia Cát, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn vui mừng cho biết: Từ ngày có cống Đồng Cốn, bà con trồng keo bán tăng được 1,5 lần giá, lại không mất tiền thuê nhân công vận chuyển nên ai cũng phấn khởi. Giờ lũ về, nước sông Đồng Cốn có dâng lên, bà con cũng không phải nơm nớp lo sợ như trước nữa.

Kết nối đôi bờ

Tại tỉnh Hòa Bình, nhu cầu về các công trình cầu kết nối là rất lớn khi có đến 74,31% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sống quanh núi và bị chia cắt bởi nhiều sông, suối. Hiện 42 cây cầu LRAMP trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành đi vào sử dụng làm thay đổi đáng kể đời sống của người dân. Chia sẻ niềm vui của đồng bào dân tộc Thái, Mường bên cây cầu Xóm Vé (xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) mới khánh thành, trưởng xóm Đinh Quang Hường cho biết: “Ngay từ khi cầu chưa hoàn thành đã có doanh nghiệp đến ký kết với bà con đầu tư xây dựng vùng trồng củ cải xuất khẩu sang Nhật. Nhưng mừng nhất là giờ bà con không còn phải lội suối, đi bè mảng nữa”. Được biết trước đây, mỗi năm, 266 hộ dân với 1.064 nhân khẩu của Xóm Vé đều bị chia cắt, cô lập bởi 5 - 6 đợt lũ. Muốn vượt qua dòng nước siết sang bờ bên kia chỉ có cách lắp ghép những cây tre, nứa thành bè, cho trẻ con vào túi nylon, vô cùng nguy hiểm.

Ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Hòa Bình cho biết: Nhờ tiết kiệm được kinh phí, ngày 25-4-2019 vùa qua, Hòa Bình tiếp tục nâng được tổng số cầu từ 50 lên 55 với tổng mức đầu tư không thay đổi. Tuy nhiên, con số này vẫn là chưa đủ. Tại Hòa Bình, còn rất nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa cần được xây dựng cầu. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh mong muốn Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) tạo điều kiện để địa phương có thêm những cây cầu mới, giúp giao thông được thông suốt bốn mùa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tại các vùng khó khăn phát triển.

Hợp phần cầu dân sinh là một trong ba hợp phần chính thuộc dự án LRAMP do Tổng cục ĐBVN làm chủ đầu tư. Từ năm 2016 - 2021, dự án LRAMP đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, với mục tiêu xây dựng mới 2.174 cầu dân sinh có tuổi thọ thiết kế 50 - 100 năm. Dự án này có tổng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 245,5 triệu USD (tương đương 5.525,2 tỷ đồng) và vốn đối ứng ngân sách T.Ư là 272,9 tỷ đồng (tương đương 12,1 triệu USD).

Một dự án ý nghĩa

Đặc thù các công trình cầu dân sinh đều nằm trong khu vực thôn, bản, điều kiện địa lý xa xôi, cách trở. Để tiếp cận hiện trường, các đơn vị thi công phải băng rừng, lội suối, di chuyển phương tiện thiết bị, nhân lực rất khó khăn. Có nơi để đi đến địa điểm làm cầu chỉ 8 km nhưng đoàn công tác phải đi bộ hết 8 tiếng đồng hồ. Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Quản lý Xây dựng Đường bộ cho biết: Rút kinh nghiệm từ dự án xây dựng 186 cầu treo dân sinh trước đây, ngay trong giai đoạn đầu triển khai, Tổng cục ĐBVN đã tổ chức các đoàn khảo sát vị trí xây dựng cầu với sự tham gia của chính quyền địa phương, người dân bản địa để có giải pháp xây dựng phù hợp. Làm cầu dân sinh cũng giống như làm từ thiện nên các nhà thầu thi công luôn trên tinh thần tiết kiệm tối đa. Nhờ đó, hiện hợp phần cầu đang được triển khai nhanh khoảng một năm so kế hoạch, giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn kết nối giao thương, tiếp cận y tế, giáo dục, giảm nghèo bền vững.

Tại rất nhiều địa phương, người dân gọi cầu LRAMP là những công trình “mơ ước bao đời”. Có những vùng như ở đồng bằng sông Cửu Long, người dân không có thói quen làm nhà nhưng sau khi có cầu đã yên tâm an cư lập nghiệp. Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho biết: Trong quá trình đấu thầu hợp phần cầu đã tiết kiệm và xây thêm được khoảng 270 cây cầu. Hết năm 2020, chúng ta sẽ hoàn thành được 2.444 cây cầu, vượt số cầu thực hiện trong dự án LRAMP so Hiệp định (2.174 cầu). Tuy nhiên, con số này vẫn là chưa đủ so nhu cầu thực tế lên đến khoảng 11.000 cầu mà các địa phương đã đề xuất. Vì vậy, sau giai đoạn 1, Tổng cục ĐBVN mong muốn Chính phủ, Quốc hội tiếp tục chấp thuận cho phép vay vốn của WB để thi công thêm khoảng 1.600 cầu trong tổng số 4.145 cây cầu đã được Chính phủ phê duyệt. Với người nghèo, thêm được một cây cầu nào cũng là đáng quý.

Tính đến hết năm 2019, Tổng cục ĐBVN đã khởi công hơn 2.000 cây cầu, hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 1.800 công trình. Ông Vũ Hải Tùng, Phó Cục trưởng Quản lý Xây dựng Đường bộ (Tổng cục ĐBVN) cho biết: Sau khi Tổng cục xây cầu, nhiều địa phương đã tiếp tục xây đường để hoàn thiện tính kết nối của hạ tầng giao thông. Tùy theo số lượng người dân được hưởng lợi, có những cây cầu LRAMP lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng cũng có những công trình chỉ tốn 300 - 400 triệu đồng.