Nỗi niềm ngày bão

Tại các chợ miền trung, do nằm trong tâm bão hoặc do ảnh hưởng của bão nên giá cả các mặt hàng sinh hoạt đều tăng, có những mặt hàng tươi sống tăng giá gần gấp đôi so với trước.

Các lồng bè nuôi tôm ở vịnh Xuân Đài (Phú Yên).
Các lồng bè nuôi tôm ở vịnh Xuân Đài (Phú Yên).

Rau ăn lá, cá tươi tăng đột biến

Do cơn bão số 5 vừa chấm dứt, cơn bão số 6 liền kề nên nhiều mặt hàng sinh hoạt tăng giá. Khác với thời tiết hôm trước, sáng ngày hôm qua 10-11, trời mây đen mù mịt, gió bắt đầu mạnh dần, mưa nặng hạt tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Sáng cùng ngày, tại các chợ ở Hội An: Tân An, Cẩm Thanh, Thanh Hà..., giá thực phẩm đều tăng. Chị Luyện, bán hàng rau củ quả tại chợ Tân An, thành phố Hội An (Quảng Nam), cho biết: “Giá củ quả có nhích lên chút đỉnh, không đáng bao nhiêu. Nhưng rau muống, rau cải đã tăng lên gần gấp đôi. Trước, chỉ có 15 nghìn đồng/kg rau muống, nay đã lên giá 25 nghìn đồng. Rau cải từ 22 nghìn đồng/kg, nay đã tăng lên 35 nghìn đồng. Chanh tươi cũng tăng từ 25 nghìn đồng lên 40 nghìn đồng/kg...”.

Vòng quanh các chợ ở Đà Nẵng, Quảng Nam, các mặt hàng rau, cá thịt đều tăng. Chị Toàn, bán thịt lợn ở chợ Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết: “Do dịch tả lợn châu Phi, nên lượng thịt trong dân còn rất ít. Mưa, nhiều lò mổ cũng chỉ mổ lượng lợn ít ỏi, người bán lẻ cũng không dám “ôm” nhiều thịt, tạo nên sự khan hiếm nhẹ, đẩy giá thành bán lẻ lên cao”. Đà Nẵng tập trung nhiều siêu thị, người dân không ra chợ thì vào siêu thị, giá bán lẻ không bị đẩy lên quá nhiều. Cô Phương, bán thịt lợn ở chợ Đống Đa (Đà Nẵng), đánh giá thị trường: “Sau dịch, giá thịt lợn tăng. Thịt lợn xay nhuyễn tăng từ 60 nghìn - 70 nghìn đồng. Loại ba chỉ lên 95 nghìn đồng nay tăng lên hơn 100 nghìn đồng/kg. Trong những ngày có bão này, tàu thuyền ra khơi không được, lượng cá ở chợ ít, nên giá thịt lợn theo đó cũng tăng lên”.

Ghi nhận thực phẩm tại Bình Định, do tâm lý lo tích trữ thực phẩm trước bão nên nhiều cửa hàng bán thực phẩm tươi sống đều sớm hết hàng. Tại chợ Khu 6 (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), tập trung nhiều mặt hàng khô, giá cả cũng “bình dân”, lượng người đến chợ mua đồ ăn tăng lên, giá cá cơm khô từ 120 nghìn đồng đã tăng từ 10 nghìn - 15 nghìn đồng/kg. Cô Loan, người đi chợ Khu 6, cho biết: “Bão về, kèm theo mất điện nên mua đồ tươi sống trữ trong tủ lạnh sẽ trở ngại. Bằng chi, mưa bão, ăn cơm với cá khô cũng ngon”. Trong giỏ hàng của nhiều người đi chợ có dầu ăn, bí ngô, bí đao, cà chua... là những thứ ít tăng giá, để được lâu. Ghi nhận giá cả các mặt hàng cá, thịt tại chợ Đầm, chợ Lớn, chợ Sân Bay, chợ Quân Chấn... (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), với những con số tăng như sau: Thịt lợn tăng từ 10 nghìn - 20 nghìn đồng tùy theo từng chợ. Cá mương từ 35 nghìn đồng lên 65 nghìn đồng/kg, cá diếc từ 75 nghìn đồng lên 120 nghìn đồng. Tôm sú, tôm bạt đều tăng 60 nghìn đồng so trước. Lươn, ốc, ếch đều tăng từ 25 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng cho mỗi loại. Chủ sạp thịt lợn, chị Hơn (chợ Quân Chấn), cho biết: “Thịt lợn đã tăng từ trước, trong những ngày bão nhích lên khoảng 10 nghìn đồng. Thịt bò tăng không đáng kể, chỉ nhích lên năm nghìn đồng cho mỗi kg”.

Tạm... qua ngày bão

Do thời tiết nhiều gió, nhiều mây, thỉnh thoảng có mưa và sức ép cơn bão gần kề, ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết nhiều tỉnh, thành miền trung. Thông tin từ các siêu thị ở Huế, Đà Nẵng cho hay, sức mua trong ngày 9-11, tức là ngày nghỉ cuối tuần tăng lên, lượng hàng bán ra so tuần trước tăng khoảng 20%. Tại chợ thủy, hải sản Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng, hàng hải sản về ít do bão, các tàu không được ra khơi, giá cả tăng nhẹ, từ 10 tới 15 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, lượng hàng không có nhiều.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, mưa diện rộng, mưa lớn khiến nhiều vườn rau bị hư hại nhiều, đẩy giá thành của các loại rau quê: muống, cải, khoai lang... tăng lên. Nhiều người đi chợ Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu), chợ huyện Đông Hòa (Phú Yên) cho biết, mùa này ăn đồ khô, canh củ khoai, mì (sắn)... qua bữa. Ngon mồm cũng phải nửa tháng, tháng sau mới có rau mầm, rau non. Ghi nhận tại các chợ huyện, chợ miền ven biển, các loại đèn tích điện, đèn pin, bao tải đựng cát, dây kẽm bán khá chạy. Các mặt hàng cho sinh hoạt như cá tôm có tăng khoảng vài chục nghìn đồng. Thịt bò, thịt lợn tăng từ 5 nghìn - 10 nghìn đồng. Chị Dung, bán hàng khô ở chợ Chí Thạnh (Tuy An, Phú Yên), cho biết: “Người nông thôn, mưa bão ăn cá khô, đậu phộng. Họ không trữ đồ tươi vì lo mất điện, hỏng đồ ăn. Ai cũng vậy, tính qua mưa, qua bão rồi ăn mới ngon, mới rẻ. Có hàng ngon bán đắt cũng khó lắm!”. Các nhà hàng ven biển không trữ hàng vì giá cao, khách ít. Tại các chợ đầu mối nông thổ sản ở các thành phố: Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Khánh Hòa... do ảnh hưởng của bão, mưa lớn ở Tây Nguyên nên rau củ quả cũng đã nhích lên từ vài nghìn đến năm nghìn đồng. Theo sạp rau củ Nhân Nhân (chợ đầu mối thành phố Đà Nẵng), chợ đầu mối không tăng nhiều. Nhưng chợ bán lẻ tăng mạnh hơn. Do họ tiếp cận trực tiếp với khách mua lẻ. Vừa bán, vừa nghe tin thời tiết, nên họ sẵn sàng nâng giá.

Giá cả tăng, bữa ăn của người dân trong những ngày bão gói ghém no đủ, ấm êm. Qua mưa, qua bão, sự lưu thông hàng hóa tốt hơn, thị trường ổn định trở lại sẽ có những bữa ăn ngon hơn, đó là cách thức của những người đi chợ. Miền trung đón hai cơn bão liên tiếp, liền kề nên người nội trợ cũng phải tính toán sao cho vừa và đủ.

Nỗi niềm ngày bão ảnh 1

Giá rau vườn tăng mạnh trong bão.

Hướng về quê bão

Trước giờ bão ập đến, tại vịnh Xuân Đài (Phú Yên), mọi người nói vui rằng, chúng tôi đã vừa được “tập sự” qua bão số 5. Tại đây ước tính của các cơ quan quản lý vịnh, có khoảng hơn 100 nghìn ô lồng của khoảng 3.000 hộ dân. Nghề nuôi tôm hùm cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã Sông Cầu, “bạc tỷ” của người dân, nên họ thường sống luôn trên lồng bè. Theo sự hướng dẫn của các cơ quan, ban, ngành thị xã, các chủ lồng bè chỉ được cắt cử một người ở lại cho tôm ăn, sau đó di chuyển lên vùng an toàn. Thế nhưng nỗi lo tài sản dưới nước, trên bè khiến nhiều người “nấp né” các đoàn kiểm tra an toàn.

Không ai muốn đánh đổi tính mạng mình để giữ tài sản nhưng vì nghĩ công lênh bao tháng ngày chăm bẵm con tôm, họ cũng đôi khi hơi liều một chút. Cũng trong những ngày có bão số 6 này, có khoảng 200 bè của người dân từ các vùng biển lân cận kéo về vịnh Xuân Đài để tìm chỗ tránh, trú bão. Trước cơn bão số 6, tỉnh Phú Yên đã hoàn tất di dời khoảng 6.000 hộ dân đến nơi an toàn. Bạn Nguyễn Thị Hồng làm việc tại Đà Nẵng, cho biết: “Quê em ở huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, đó là vùng đồng bằng của tỉnh, hay bị ngập do mưa bão. Sau mùa lúa thu hoạch là mùa hoa màu cuối năm. Sáng nay, đọc tin tức, tâm bão Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Bão rộng quá, em lo!”.

Rời quê nhà vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp đã hơn 15 năm, bạn Lê Văn Huy (quê Gành Đỏ, Phú Yên), cho hay: “Hồi còn nhỏ, sống ở quê, bão về thì cũng vô tư thôi. Mọi việc, có cha mẹ lo tuốt. Hồi đó, còn mong có bão để ngắm sóng, đằm mình trong mưa, bắt cá, bắt chim, đuổi vịt. Nhưng nay, xa quê, tin bão về lại có điều chi đó khác thường trong suy nghĩ, lo và thương người nhà, người quê chịu cảnh bão chồng bão. Thương những gia đình nghèo không có tiền lo xa lương thực, thực phẩm cho mình. Ở quê, tình người, không ai bị đói trong bão. Nhưng mưa dầm, mưa dài, nhà cửa bung bay trong gió, quần áo ướt nhẹp kéo dài, phơi phóng khó đủ đường... Quần áo ẩm ướt, người dễ bị bệnh. Chỉ mong mọi người an toàn”.

Bão lại vào miền trung, lại ngày dài lo lắng, lại đêm thấp thỏm bão quần, mưa tuôn.