Những bất thường tại một doanh nghiệp dược

Ngoài việc “làm xiếc” trên Báo cáo kiểm toán (BCKT), thí dụ như BCKT có nêu Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa (Thephaco) đã chi 13 tháng lương cho cán bộ công nhân viên (CBCNV), nhưng trên sổ sách của Thephaco mới thể hiện 11 tháng lương. Số tiền thưởng tháng 13 cho 815 nhân sự với con số trung bình là 6,3 triệu sẽ là 5,112 tỷ đồng; Hay việc BCKT còn bỏ sót lương tháng 12-2018, ước tính khoảng 11,5 tỷ đồng, một cách đầy khó hiểu. Thì những thay đổi bất ngờ về nhân sự quản lý cấp cao cũng như cơ cấu HĐQT tiềm ẩn nguy cơ đẩy Thephaco tuột dốc nhanh hơn trên đà sa sút.

Nhiều câu hỏi đặt ra chung quanh hoạt động của công ty này.
Nhiều câu hỏi đặt ra chung quanh hoạt động của công ty này.

Kỳ 2: Thua lỗ & nguy cơ bị thâu tóm

(Tiếp theo & hết)

Những câu trả lời không thỏa đáng

Tại phiên họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của Thephaco ngày 26-4-2019 đã có rất nhiều câu hỏi của cổ đông (CĐ) đưa ra, nhưng Chủ tọa phiên họp chưa có câu trả lời. Mãi tới ngày 14-6-2019, tức gần hai tháng sau, HĐQT Thephaco mới có Văn bản số 14/TB-HĐQT phản hồi các câu hỏi này. Song phần lớn câu trả lời đều vòng vo, không trúng trọng tâm và không làm các CĐ thỏa mãn.

Theo thắc mắc của CĐ Đinh Anh Hào: “BCKT có nêu, Thephaco đã chi 13 tháng lương cho CBCNV. Tuy nhiên, trên sổ sách của Thephaco mới thể hiện 11 tháng lương. Số tiền thưởng tháng 13 cho 815 nhân sự với con số trung bình là 6,3 triệu sẽ là 5,112 tỷ đồng. Số tiền này được hạch toán vào đâu, khoản nào? Ngoài ra, BCKT còn bỏ sót lương tháng 12-2018 theo ước tính khoảng 11,5 tỷ đồng một cách đầy khó hiểu. Một khoản chi phí khác là chi phí quảng cáo năm 2018 đã phát sinh cũng không được hạch toán. Như vậy con số lợi nhuận sau thuế 2 tỷ đồng nếu hoạch toán đầy đủ có thể dẫn đến khoản lỗ thực tế hơn 15 tỷ đồng”.

Trong đó, có một điểm đáng lưu ý là để có số lãi 2 tỷ đồng, Thephaco đã phải thanh lý bất động sản (BĐS) tại Đà Nẵng với giá 4,7 tỷ đồng, chi phí đầu tư 1,2 tỷ đồng để mang lại khoản lợi nhuận xấp xỉ 3,5 tỷ đồng. Như vậy, nếu chỉ tính riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, Thephaco thực chất đã lỗ hơn 20 tỷ đồng trong năm tài chính 2018. Đây là một con số gây sốc cho tất cả các đối tác, CĐ và người lao động (NLĐ) đang làm việc tại Thephaco.

Cũng trong ĐHCĐ này, rất nhiều câu hỏi chất vấn đã được các CĐ đưa ra nhưng đoàn chủ tọa không có câu trả lời thỏa đáng. Thí dụ như việc thuê các chuyên gia Ấn Độ làm việc tại DN với chi phí cao nhưng hiệu quả không rõ ràng. Chi phí truyền thông, quảng cáo được đưa ra từ đầu năm lên tới 18 tỷ đồng đã thật sự chi bao nhiêu, đã phát sinh ra sao không được đề cập trong bảng cân đối kế toán. Việc không chia cổ tức cho CĐ và kế hoạch năm tới không có các tiêu chí: Cổ tức, Thu nhập bình quân của NLĐ, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) khiến CĐ bất bình.

Không những thế, ngay cả khi cố tình “làm xiếc” trên bảng cân đối kế toán năm 2018 thì lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (CP) của DN đã mất 87% giá trị. Nếu như năm 2017 lãi cơ bản trên mỗi CP là 2.014 đồng thì đến năm 2018 chỉ còn 271 đồng. Nếu hạch toán đầy đủ các chi phí như đã nêu ở trên thì mỗi CP lỗ hơn 3.300 đồng. Chính vì thế trước đây thị giá CP của DN luôn ở mức hai chữ số trên thị trường OTC bây giờ có thể chỉ còn tương đương… một ly trà đá, nếu tính theo chỉ số bình quân trên sàn niêm yết.

Tiềm ẩn nguy cơ bị thâu tóm

Trong kết quả kinh doanh năm 2018, không chỉ doanh thu chạm đáy và lợi nhuận thực tế âm (-), rất nhiều vấn đề tài chính nội tại của DN đang bắt đầu lộ dần. Một trong những bất thường trong BCKT thường niên năm 2018 là khoản vay nợ cá nhân lên đến 97 tỷ đồng lần đầu xuất hiện. Trong khi tiền và tương đương tiền tại thời điểm đầu năm và cuối năm đã “bốc hơi” hơn 9 tỷ đồng, từ 20 tỷ đồng chỉ còn lại 11 tỷ đồng. Nhiều CĐ đã thắc mắc về khoản mục vay nợ cá nhân 97 tỷ đồng ở đâu ra, vay ai, lãi suất ra sao, dùng vào mục đích gì nhưng đoàn chủ tọa đều tránh né trả lời.

Mặc dù theo BCKT, DN không có khoản đầu tư tài chính nào lớn, đầu tư mới trang thiết bị quy mô nhưng khoản vay nợ cá nhân vẫn được thể hiện trên bút toán. Vấn đề này, trong ĐHCĐ, đại diện nhóm CĐ lớn chiếm hơn 7% cổ phần DN đã chất vấn đoàn chủ tọa nhưng một lần nữa lại bị khước từ và tất cả những hoài nghi đó một lần nữa rơi vào im lặng.

Một vấn đề đáng lưu tâm trong hoạt động của DN là hầu như việc mua nguyên liệu, thành phẩm đầu vào không hề thông qua chào hàng cạnh tranh, đấu giá, đấu thầu theo quy định. Việc làm này có thể dẫn đến thiệt hại đáng kể cho DN, đẩy giá thành sản phẩm lên cao và vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

Trong ĐHCĐ thường niên của Thephaco những câu hỏi của các CĐ đã xoáy sâu vào vấn đề này nhưng lãnh đạo Thephaco đã đề nghị sẽ trả lời CĐ bằng văn bản. Cụ thể CĐ Lường Văn Sơn đặt câu hỏi “Trong sáu tháng cuối năm 2017 và năm 2018 đã đấu thầu cạnh tranh được bao nhiêu mặt hàng là vật tư cho sản xuất, máy móc thiết bị, sửa chữa nhà xưởng?”.

Ông Sơn cho biết thêm, khi ông còn làm lãnh đạo tại Thephaco, chỉ thông qua việc đấu thầu cạnh tranh ba mặt hàng túi nhôm có mặt hàng đã giảm 47%, rồi 21,4% và cuối cùng là 17%. Liên quan đến việc đấu giá đấu thầu, chỉ riêng việc thanh lý BĐS tại Đà Nẵng, ban đầu đối tác chỉ chấp nhận trả 3 tỷ đồng, khi các thành viên trong HĐQT phản đối yêu cầu đưa vào đấu thầu cạnh tranh mức giá thực tế DN thu được là 4,7 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng mỗi năm số tiền mua vật tư, nguyên liệu vài trăm tỷ đồng chưa kể số tiền mua sắm máy móc, thiết bị thì nguy cơ thất thoát từ việc không tuân thủ luật đấu giá đấu thầu sẽ là con số không nhỏ.

Thephaco trước đây là DNNN trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau thời điểm cổ phần hóa năm 2002, Thephaco chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty CP. Sau này, phần vốn nhà nước tại DN được giao lại cho Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Ngày 2-10-2015, SCIC đã tổ chức đấu giá trọn lô gần 1,5 triệu CP Thephaco với giá khởi điểm là 18.000 đồng/CP. Sau đợt đấu giá trên, một nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đã bỏ ra 34 tỷ đồng để mua lại toàn bộ số cổ phần mà SCIC mang ra đấu giá với giá trúng bình quân 23.100 đồng/CP. Bắt đầu từ năm 2017, nhóm NĐT mới bắt đầu tham gia trực tiếp điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại DN.

Tại thời điểm ngày 31-12-2017, cơ cấu CĐ của DN có nhiều thay đổi. Cụ thể, ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thephaco, và vợ đã sở hữu hơn 51% số cổ phần tại Thephaco.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2019 vừa qua, DN đã thông qua việc giảm số lượng thành viên HĐQT từ năm thành viên xuống còn ba thành viên (?). Đáng chú ý nội dung thay đổi thành viên HĐQT này không có trong chương trình đại hội được gửi cho các CĐ trước đó. Việc thay đổi này là nội dung phát sinh về được thực hiện ngay tại đại hội. Theo đó, HĐQT đã miễn nhiệm ba thành viên và bầu bổ sung ông Trần Văn Công, CĐ ngoài DN tham gia HĐQT.

Theo Quyết định số 09-2019/QĐ-HĐQT ngày 8-5-2019, ông Trần Văn Công được HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT. Được biết, ông Trần Văn Công là người có mối quan hệ ruột thịt của Tổng Giám đốc Trần Thanh Minh - một CĐ lớn của Thephaco. Trong khi đó, ông Trần Văn Công, Chủ tịch HĐQT mới của Thephaco hiện đang tham gia điều hành tại hai DN khác. Thứ nhất, tại Công ty CP Liên hiệp thực phẩm (có mã giao dịch chứng khoán là FCC), ông Trần Văn Công là Chủ tịch HĐQT. Năm 2016, trước khi ông Công trở thành lãnh đạo DN này, FCC có doanh thu 33 tỷ đồng, lợi nhuận 2,5 tỷ đồng. Từ khi ông Công tham gia điều hành FCC, doanh thu và lợi nhuận DN này liên tục đi xuống. Năm 2017, FCC có doanh thu là 23 tỷ đồng, thua lỗ 11 tỷ đồng. Năm 2018, FCC có doanh thu hơn 20 tỷ đồng, thua lỗ tới 5,2 tỷ đồng. Mới đây, DN này còn bị Cục Thuế Hà Nội truy thu và phạt hơn 5 tỷ đồng.

Thứ hai, tại Công ty CP Thương mại Hà Tây (có mã giao dịch chứng khoán là HTT) ông Trần Văn Công là CĐ lớn, đồng thời là thành viên HĐQT. Năm 2016 DN này có tổng doanh thu 291 tỷ đồng, lợi nhuận 16 tỷ đồng. Đến năm 2018, doanh thu của HTT chỉ còn 51 tỷ đồng và thua lỗ tới 23 tỷ đồng.

Theo nhận định của nhiều CĐ của Thephaco, tương lai của Thephaco nhiều khả năng sẽ cũng không khác là bao so hai DN mà ông Trần Văn Công tham gia đầu tư và điều hành. Nguy cơ thất thoát cũng như khả năng kinh doanh ngày một sa sút không phải là không có cơ sở. Và khi đó, một DN từng là DN “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” có thể chỉ còn trong câu chuyện của những người đã gắn bó suốt cả cuộc đời cùng Thephaco.