Khai thác mỏ than Khánh Hòa gây nhiều bức xúc

Khánh Hòa là một trong những mỏ than lớn với diện tích khai thác và bãi thải lên đến hơn 300 ha nằm trên địa bàn xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên). Việc nổ mìn khai thác than diễn ra liên tục, bãi đổ thải cao như núi đã và đang tác động rất tiêu cực đối với đời sống người dân địa phương.

Moong khai thác mỏ than Khánh Hòa sâu khoảng 200 m, rộng hàng chục nghìn m2 hoạt động với tần suất cao.
Moong khai thác mỏ than Khánh Hòa sâu khoảng 200 m, rộng hàng chục nghìn m2 hoạt động với tần suất cao.

Bất an vì mìn nổ

Khai thác than dưới moong sâu hàng trăm mét so mặt đất, mỏ than Khánh Hòa nổ mìn phá đá thường xuyên với tần suất ba lần/ngày, mỗi lần hàng tiếng đồng hồ. Với người dân sống cạnh mỏ, mỗi lần nổ mìn là mỗi lần bất an.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy ở xóm Cao Sơn 4, xã Sơn Cẩm kể: “Ngày 19-3, gần như đồng thời với việc nổ mìn ở moong khai thác than ngay trước cửa, có hòn đá nặng hơn 1 kg văng vào nhà làm thủng hai tấm lợp. Hai gia đình hàng xóm cũng bị những viên đá lớn bằng cái bát văng thủng mái nhà, gây hư hỏng tủ lạnh, xe máy”. Xóm Cao Sơn 4 có 45 hộ dân, chỉ cách moong khai thác của mỏ than Khánh Hòa một con suối, bờ đê, việc nổ mìn hằng ngày thường xuyên tác động rất xấu đến đời sống của nhân dân.

Bà Thủy kể tiếp: “Nhiều lần nổ mìn, xuất hiện những cột bụi khổng lồ bùng lên, tỏa ra chung quanh, gió cuốn vào khu dân cư, lâu ngày lớp bụi phủ trên mái nhà, cây cối. Gần đây gia đình tôi đang ăn cơm trưa thì người ta nổ mìn, đứa cháu hỏi, bà ơi sao bát cơm của cháu lại thế này, tôi nhìn thì thấy lớp bụi đen phủ bát cơm đứa cháu đang ăn”. Gia đình bà Thủy làm căn nhà cấp bốn cuối năm 2013, sau đó xuất hiện những vết nứt ngang dọc, vết nứt dọc tường nhà từ nóc xuống mỗi lúc một to, đến nay vết nứt đã toác hẳn ra, cho cả bàn tay vào được. Sợ sập nhà, từ đầu năm đến nay, con trai bà Thủy không dám ở nữa.

Người dân xóm Cao Sơn 4 cho rằng, nổ mìn gây rung chấn là nguyên nhân chủ yếu làm nứt nhà. Tường nhà ông Nguyễn Chu Hải gần đây cũng xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc, đặc biệt là nền nhà được lát bằng đá hoa mà cũng xuất hiện vết nứt rộng bằng ngón tay chạy dài cả chục mét. ông Hải cho biết: “Sống gần mỏ, ngày nào cũng phải nghe tiếng mìn nổ ậm ùm, nhà bị nứt, đá có thể văng bất cứ lúc nào thì sao yên tâm được”. Ngay cạnh nhà ông Hải là căn nhà hai tầng của gia đình ông Nguyễn Quốc Huy vừa mới xây, nhưng gần đây ông Huy bức xúc cho rằng, nổ mìn gây rung chấn làm cho phào, chỉ trang trí ngôi nhà bị rời, rơi xuống.

Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm Ngô Sĩ Bình cho biết: “Thời gian gần đây, người dân thôn Cao Sơn 4 rất bức xúc trước tình trạng nổ mìn làm đá văng gây hư hỏng nhà cửa, tài sản, mất an toàn, khói bụi và rung chấn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. Nhưng với trách nhiệm và khả năng của xã, chúng tôi cũng chỉ biết phản ánh đơn vị chức năng và cấp trên”.

Quy chuẩn an toàn về nổ mìn quy định: Vị trí nổ mìn và khu dân cư phải có khoảng cách tối thiểu là 200 m, nhưng trên thực tế, chính quyền xã Sơn Cẩm, Công ty Than Khánh Hòa và đơn vị nổ mìn - Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Thái Nguyên kéo thước đo vị trí thôn Cao Sơn 4 đến moong khai thác chỉ có hơn 100 m, có nhà dân chỉ cách 109 m. Chúng tôi đặt vấn đề: Việc nổ mìn làm đá văng hỏng nhà dân, gây rung chấn làm nứt nhà dân, phát sinh khói bụi? Giám đốc Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Thái Nguyên Hoàng Thịnh Giang điềm nhiên trả lời: “Việc nổ mìn ở mỏ than Khánh Hòa là... bảo đảm an toàn” (!?).

Khổ tứ bề

Trước đây moong khai thác than của Công ty Than Khánh Hòa còn cách thôn Cao Sơn 4 đến 300 - 400 m, nhưng những năm gần đây, moong được mở rộng nên khai trường tiến sát thôn, dòng suối được nắn ngay trước cửa nhà dân. Khi nắn dòng, Công ty Than Khánh Hòa đắp bờ đê lớn, cao nhằm ngăn nước lũ trên dòng suối tràn vào moong khai thác, nhưng phía bên thôn Cao Sơn 4 thì không được đắp đê nên mỗi khi có lũ là nước dâng lên ngập đường đi lối lại, vườn tược, tràn vào nhiều nhà dân. Chị Trịnh Thị Ngọc ở xóm Cao Sơn 4 nói: “Mỗi lần bị lũ là mỗi lần người dân khổ, phải quét dọn bùn đất tràn vào nhà, vệ sinh đường đi lối lại, chôn xác động vật chết dạt vào, nếu không môi trường sẽ bị ô nhiễm trầm trọng”.

Mưa lũ đã vậy, nhưng những ngày nắng, mùa khô hanh cũng không khá hơn vì nạn bụi bay từ bãi thải cao như núi. Mỏ than Khánh Hòa có bãi thải nam và bãi thải tây. Bãi thải nam rộng 65 ha, theo thiết kế cao 154 m so mặt bằng hiện hữu, đến nay tại nhiều vị trí đá đổ thải cao 153 m; bãi thải tây rộng 95 ha, chiều cao thiết kế đổ thải là 215 m so mặt bằng hiện hữu, đến nay đã đổ thải cao 125 m. Đây là hai bãi thải đất, đá dính than trong quá trình khai thác, từ xa đã trông thấy hai bãi thải này rất lớn và cao như hai ngọn núi sừng sững. Mỗi khi trời nắng, đặc biệt là vào mùa hanh khô, gió cuốn bụi từ hai bãi thải bay đi khắp nơi, cây cối, nhà cửa của người dân bị phủ một lớp bụi. Người dân ở đây rất lo lắng trước tình trạng bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ông Cao Quốc Huy ở thôn Cao Sơn 4 lo ngại: “Định kỳ, công nhân của công ty được đi khám sức khỏe, bụi phổi và có chế độ bồi dưỡng để hạn chế độc hại. Còn chúng tôi, cũng trong môi trường không khí đấy mà không có điều kiện đi khám, chữa bệnh nên những năm qua phải chịu sống chung với bụi”.

Moong khai thác than mỏ Khánh Hòa hiện nay đã được đào sâu khoảng 200 m so mặt đất, theo thiết kế sẽ tiếp tục đào sâu xuống khoảng 100 m nữa để khai thác than. Công ty Khánh Hòa phải dùng máy bơm để bơm nước dưới lòng moong thì mới khai thác được than. Mực nước ngầm bị rút, giếng nước của hầu hết các hộ dân xóm Cao Sơn 4 mất nước từ năm 2015, hoặc có nước mà không thể sử dụng được. Gia đình bà Phan Thị Thanh Thủy phải mua vòi, máy bơm hút nước từ suối lên lọc qua bể cát để tắm giặt. Còn gia đình chị Trịnh Thị Ngọc trước đây khoan giếng sâu 27 m, sau đó không có nước lại khoan xuống sâu thêm gần mười mét mà nước đục ngàu, lẫn váng nên không dám dùng, hằng ngày phải chở can nhựa đi vài trăm mét xin nước xóm khác về dùng.

Nhiều năm qua, nhiều hộ dân ở xóm Cao Sơn 4 sống trong tình trạng “khát” nước sinh hoạt. Từ tháng 6-2018 Công ty Than Khánh Hòa hỗ trợ mỗi khẩu hai khối nước sinh hoạt/tháng, tương đương 17 nghìn đồng/khẩu/tháng. Gia đình chị Ngọc có năm khẩu, mỗi tháng được lĩnh tổng cộng 85 nghìn đồng. Chị Ngọc ngậm ngùi: “Với số tiền này, gia đình chỉ mua được bốn bình nước lọc dùng để uống trong một tuần là hết. Ngày mấy lần phải đi xin nước chở về sinh hoạt, nghĩ mà cực, không còn thời gian để làm ăn nữa”.

Năm 2016, Công ty Than Khánh Hòa mở rộng bãi thải tây, nhiều gia đình ở Khu dân cư Cầu Sắt, xóm Làng Ngò, xã An Khánh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng. Đến nay nhiều hộ đã di chuyển đến nơi ở mới, có hộ vẫn chưa giải phóng mặt bằng, sống trong cảnh vất vưởng, khó khăn trăm bề. Ông Thân Văn Hằng ở khu dân cư Cầu Sắt cho rằng, gia đình ông bị tính thiếu, thống kê không xác đáng một số hạng mục trên đất nên đến nay chưa thể di dời, có mảnh ruộng một sào đã bị đất, đá thải vùi lấp không canh tác được. Biên bản thỏa thuận giữa Công ty Than Khánh Hòa và gia đình ông Hằng (có sự chứng kiến của đại diện UBND xã An Khánh) nêu rõ, Công ty Than Khánh Hòa sẽ hỗ trợ sản lượng lương thực một sào ruộng bị vùi lấp, mặc dù đã nhiều lần đòi, nhưng hai năm qua công ty không ngó ngàng gì đến. Nhà ông Hằng đã bị bãi thải tây “tiến” sát, hằng ngày thiếu nước sinh hoạt, “lĩnh” thừa bụi.

Nhiều năm qua, 45 hộ dân xóm Cao Sơn 4 có nguyện vọng được chuyển đi nơi khác sinh sống, xóm Cao Sơn 4 cũng nằm trong quy hoạch vùng hoạt động khoáng sản. Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa Bùi Ngọc Hùng thừa nhận thực trạng khai thác than có tác động tiêu cực đối với đời sống nhân dân khu vực gần mỏ than Khánh Hòa nói chung, xóm Cao Sơn 4 nói riêng. Ông Hùng cho biết: “Nằm trong quy hoạch vùng hoạt động khoáng sản của Công ty Than Khánh Hòa, nếu như mở rộng khai thác đến khu vực xóm Cao Sơn 4 thì chúng tôi có trách nhiệm phối hợp chính quyền địa phương di chuyển, tái định cư nơi ở mới cho nhân dân. Nhưng hiện nay và vài năm tới, tiềm lực của công ty không có nên chưa thể tính được việc tái định cư cho bà con”.

Như thế, người dân sẽ còn phải tiếp tục sống khổ sở bên mỏ than Khánh Hòa.