Điều chưa kể về người “Tri tân”

Ngôi nhà 70A Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau những bước chân thời gian, ít ai biết tròn 75 năm về trước từng là trụ sở của Đoàn Báo chí Việt Nam. Nhắc đến tổ chức này, cái tên đầu tiên sẽ là nhà báo Nguyễn Tường Phượng, Chủ bút tờ Tri Tân.

Nhà báo Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1974).
Nhà báo Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1974).

Cuộc gặp gỡ thiêng liêng của ông chủ bút Tri Tân

Theo báo Cứu quốc, ngày 28-12-1945, Đoàn Báo chí Việt Nam đã chính thức được thành lập. Sau khi đã thảo xong Điều lệ (được Bộ Nội vụ duyệt y), 98 nhà báo hằng ngày và hằng tuần ở Hà Nội đã tới họp tại Nhà văn hóa Cứu quốc để bầu một Hội đồng quản trị, bắt tay vào việc hoạt động. Cuộc họp do nhà báo Nguyễn Tường Phượng, Chủ bút tờ Tri Tân, đứng ra tổ chức. Ông cũng là Chủ tịch Đoàn đầu tiên.

Chỉ ba tháng trước ngày ra đời của Đoàn Báo chí, vào lúc 16 giờ chiều 13-9-1945, nhận được giấy mời đến làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Chủ bút Nguyễn Tường Phượng vội vàng sửa soạn đến trụ sở tạm thời của Chính phủ cạnh Bắc Bộ phủ. Tại đây, ông đã có nửa giờ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp chuyện trong một gian phòng tĩnh mịch. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng cảm thấy cuộc hội kiến này là một giờ phút rất thiêng liêng trong đời làm báo của mình. Ông trình bày với Bác Hồ: “Trước hết tôi xin Cụ tha lỗi cho vì trong lúc này Cụ đang bận rộn nhiều việc, nhất là việc ngoại giao, mà chúng tôi đến hầu thật là làm nhọc lòng Cụ, nhưng tự xét thay mặt cho một cơ quan văn hóa chúng tôi thấy phận sự phải đến”.

Thấy Bác gật đầu, ông nói tiếp về mục tiêu của tạp chí đã qua thời kỳ “Ôn cố” nay đến lúc phải theo mục đích “Tri tân” để phụng sự Tổ quốc. Lắng nghe nhà báo Nguyễn Tường Phượng trình bày xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá những tinh thần cơ bản mà Tạp chí Tri Tân nêu ra từ trước vẫn còn tốt, “nhưng hiện nay cần phải có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp với nguyện vọng của dân” và “ngày nay cần phải có một nền văn hóa mới”.

Sau nửa giờ trò chuyện, nhà báo Nguyễn Tường Phượng xin được cáo lui. Bắt tay ông Chủ bút Tạp chí Tri Tân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thêm: “Tôi xin chúc quý báo trường cửu để theo đuổi công việc văn hóa và sát cánh với Chính phủ để củng cố nền độc lập”.

Điều chưa kể về người “Tri tân” ảnh 1

Sống lại những vẻ đẹp trên từng áng văn hay

Đi tìm những tư liệu về nhà báo Nguyễn Tường Phượng, chúng tôi đã tiếp cận với khá nhiều trang báo Tri Tân cũ. Năm 1941, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng cùng các bạn Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Khái Sinh Dương Tự Quán, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Chu Thiên Hoàng Minh Giám, Điều Tử Nguyễn Huy Tưởng, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý, Vân Thạch, Phạm Mạnh Phan... thành lập Tạp chí Tri Tân. Tạp chí do Nguyễn Tường Phượng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, trụ sở ban đầu đóng tại 349 phố Huế (Hà Nội).

Chúng tôi cúi mình trước những trang báo đã gần 80 năm tuổi đời để tìm lại tiếng nói của tiền nhân. Ngay lời Phi lộ số 1 của Tạp chí đã nêu rõ tôn chỉ là “Ôn cũ! Biết mới”. Cái tên này bắt nguồn ở câu trong sách Luận ngữ “Ôn cố nhi Tri tân” để đi riêng con đường Văn hóa. Chủ đích Tri Tân, như nhà báo Nguyễn Tường Phượng từng trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh là muốn nhắc lại cho quốc dân đồng bào những trang sử vẻ vang, những sự nghiệp anh hùng lừng lẫy, những phát hiện về văn hóa để kêu gọi lòng ái quốc.

Tri Tân nghiên cứu văn hóa cổ dân tộc làm mục tiêu trong mối quan hệ tương đồng với các ngành nghiên cứu khác: Văn học, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc. Không bo bo nhốt tư tưởng riêng, Tri Tân mạnh bạo tiến bước trên đường chân lý. Tri Tân tự ví mình như tấm lụa bạch, chỉ viết những hàng chữ chân phương ngay thẳng.

Tạp chí Tri Tân dưới cặp kính của nhà khảo cứu, trong hơn 5 năm tồn tại (từ ngày 3-6-1941 đến ngày 16-7-1946) đã cho ra đời 214 số (trong đó có số đặc san về Nam Bộ). Cầm trên tay những trang báo cũ đã phủ bụi thời gian, chúng tôi vẫn nhận thấy những đóng góp bề thế cho công việc khảo cứu lịch sử và văn học, văn hóa của Tri Tân. Từng có một thời, Tri Tân bị phê bình là “nệ cổ”, chưa đại chúng. Nhưng hiện nay, giá trị của Tri Tân lại càng được khẳng định. Tác phẩm in trên Tri Tân là những sử liệu vô cùng quý giá cho những nhà nghiên cứu hôm nay. Đại Nam dật sử - Sử ta so với sử Tàu tập hợp các bài nghiên cứu đã ra mắt bạn đọc trên Tạp chí Tri Tân của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947) được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1997 và tái bản nhiều lần. Nghiên cứu Văn học sử với Hoa Bằng qua Tạp chí Tri Tân sắp được ra mắt độc giả với công phu khảo chứng của Tiến sĩ Nguyễn Phúc An về Hoàng Thúc Trâm (1902 - 1977)… Trong đóng góp chung của Tri Tân phải kể đến công lao của nhà báo Nguyễn Tường Phượng.

Không chỉ với Tri Tân, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà báo Nguyễn Tường Phượng còn là Chủ nhiệm báo Tiếng nói của dân và Tạp chí Sóng mới, khi làm Phó Chủ tịch Hội Văn hóa Kháng chiến Liên khu 3 tại Thái Bình. Nhưng đầu năm 1950, khi thực dân Pháp kéo đến vây chặt tỉnh Thái Bình từ bốn phía, không có sức khỏe vượt sông Hồng thoát vây, ông phải ở lại trong vùng địch chiếm đóng.

GS Hoàng Như Mai, Hiệu trưởng Trường trung học Phan Thanh - nơi học giả Tiên Đàm dạy học - đã kể lại trong một bài viết: Trước khi đưa gia đình về Hà Nội, nhà báo Nguyễn Tường Phượng viết một lá đơn trịnh trọng báo cáo với ông Hiệu trưởng về hoàn cảnh khó khăn của mình: hai vợ chồng già và hai con còn nhỏ tuổi, xin phép được tạm thời ở lại trong vùng địch chiếm đóng và hứa kiên quyết không làm gì hại cho danh dự của Tổ quốc, không làm việc cho giặc.

GS Hoàng Như Mai còn nhớ một đoạn như sau: “Tôi tài hèn, sức mọn không đi cùng các ông được, tôi hổ thẹn vô cùng tôi khóc và chắp tay hướng về Việt Bắc xin Cụ Hồ tha tội cho tôi. Tôi xin thề trước Cụ Hồ, thân này dù có bị hãm trong vòng vây của giặc, lòng này không bao giờ quên kháng chiến”.

Trong quá trình tìm hiểu về nhà báo Nguyễn Tường Phượng, chúng tôi nhận được nhiều đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, thảy đều nhận định ông là người dành cả cuộc đời lao động nghiêm túc, cẩn trọng. Ông sống hết mình trên những trang nghiên cứu. Ông khảo sát và cân nhắc từng địa danh, điển tích, từng giai thoại văn học, từng chú thích nhỏ của cổ nhân để lại. Ông làm việc mẫn cán, trung thực và tự trọng.

Nhà báo Nguyễn Tường Phượng đã hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu văn học sử. Cặm cụi làm việc cho đến hơi thở cuối cùng (trước khi mất còn gửi đến báo Tổ quốc bài viết Chí Linh bát cổ), Nguyễn Tường Phượng đã làm sống lại những vẻ đẹp trên từng áng văn hay.

Nhà nghiên cứu văn học, sử học Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1974) hiệu Tiên Đàm, tự Kỳ Sơn, biệt hiệu Mai Lâm, sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng, dòng dõi họ Nguyễn làng Nội Duệ Đông (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Bên cạnh hàng trăm bài khảo cứu trên Tạp chí Tri Tân, Nguyễn Tường Phượng còn là tác giả sách Binh chế Việt Nam qua các thời đại; đồng tác giả Văn học sử Việt Nam tiền bán và hậu bán thế kỷ 19 (cùng Bùi Hữu Sủng và Phan Văn Sách); đồng tác giả Lược truyện các tác gia Việt Nam (do Trần Văn Giáp chủ biên)…
Khi ra đời, Hội đồng quản trị của Đoàn Báo chí Việt Nam gồm có: Chủ tịch Nguyễn Tường Phượng; Phó Chủ tịch Nguyễn Tấn Gi Trọng và Đỗ Đức Dục; Tổng Thư ký Nguyễn Huy Tưởng. Sau này, Đoàn Báo chí Việt Nam được thay thế bằng Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam).