Cảnh giác với cạm bẫy buôn người

Phần vì cuộc sống quá khó khăn, phần vì nhẹ dạ cả tin nên không ít phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện vùng cao Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên đã trở thành nạn nhân của kẻ mua bán người. Người may mắn được trở về quê hương làm lại từ đầu, còn không thì biền biệt. Ở quê nhà, con thơ họ sống cảnh nghèo khó, côi cút và quay quắt trong nỗi nhớ quặn lòng...

Công an huyện Ðiện Biên Ðông tuyên truyền cho người dân về phòng, chống tội phạm mua bán người. Nguồn: Báo DTPT
Công an huyện Ðiện Biên Ðông tuyên truyền cho người dân về phòng, chống tội phạm mua bán người. Nguồn: Báo DTPT

Cảm thương người ở lại

Từ trung tâm huyện lỵ Điện Biên Đông theo con đường nhỏ qua xã Na Son chừng 30 km rồi lại men theo con đường mòn bám chặt mấy vạt nương bên sườn đồi dựng đứng, chúng tôi đến xã Xa Dung khi trời đã quá trưa. Đón chúng tôi ở đầu bản Ca Tâu là Vàng A Chịa - cậu bé tôi từng gặp sáu năm trước, giờ đã là chàng thanh niên rắn rỏi, chững chạc.

Ấy vậy nhưng khi nhắc lại chuyện cũ thì Chịa cúi gằm mặt, hai khóe mắt đỏ ngầu như chực khóc.

Sáu năm đã đi qua, nhưng với Chịa cái ngày 12-8-2013 vẫn để lại trái tim em nỗi đau âm ỉ. Bởi ấy là ngày mẹ của Chịa là Lầu Thị Đí đã tin lời ngon ngọt của hai kẻ lạ mặt về Lào Cai để cập bến bờ hạnh phúc mới. Trước lúc đưa mẹ của Chịa đi, một trong hai đối tượng còn quay lại đưa cho Chịa gần một triệu đồng rồi vỗ về căn dặn: “Cháu ở nhà yên tâm, mẹ cháu sẽ đi làm có tiền gửi về cho anh em cháu ăn học”.

Tiễn mẹ hết con dốc đầu bản Ca Tâu, anh em Vàng A Chịa cứ dõi mắt nhìn theo bóng mẹ khuất dần sau dãy núi. Rồi đợi mãi khi bóng đêm sập về thì Chịa như “chợt tỉnh” về sự thật mẹ đi xa còn lâu lâu mới về. Buồn bã trở về căn nhà bốn bề trống không, hai anh em Chịa cứ gọi tìm đến khản giọng mà không nghe tiếng mẹ. Thương hai đứa cháu côi cút mẹ cha, cậu của Chịa là Lầu A Súa đưa cháu về nuôi với tình yêu thương se sắt đói nghèo.

“Chị Đí sinh năm 1967, lập gia đình với anh Vàng Pà Hờ ở bản Chua Ta A, xã Phì Nhừ cùng huyện Điện Biên Đông. Sống với nhau được một thời gian có được hai mặt con, song hai vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, chị Đí không ở được với chồng đành dẫn hai đứa nhỏ và mang bụng bầu năm tháng về quê ngoại. Khi chị Đí sinh cháu thứ ba được một năm thì hai đối tượng lạ mặt đến nhà tìm hiểu, xin số điện thoại rồi tán tỉnh yêu đương. Mặc người nhà hết lời khuyên bảo chị Đí vẫn tin lời người ta sẽ có hạnh phúc mới và công việc ổn định nên giấu nhà bế một cháu nhỏ ra đi. Từ bấy đến nay, người đi như bóng chim tăm cá…”, Lầu A Súa nghẹn ngào kể chuyện chị của mình.

Đưa mắt nhìn anh em Chịa, anh Lầu A Súa nói thêm: Sau ngày mẹ đi, hai anh em nó như người không hồn, đứa nào cũng buồn bã, ít nói, ít giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa; mỗi khi nghe ai hỏi mẹ thì chúng lại khóc…

Thoát nạn vẫn chưa hoàn hồn!

May mắn hơn chị Đí là Lầu Thị Khu (SN 1978), người dân tộc H’Mông ở bản Nà Sản A, xã Xa Dung, được lực lượng chức năng phát hiện giải cứu, song tâm trí Khu vẫn luôn ám ảnh nỗi sợ bị “bán hụt” ấy. Nhớ lại những ngày nghe lời ngon ngọt của kẻ lừa buôn người, Khu không khỏi rùng mình sợ hãi. Khu bảo, tưởng hai lần kết hôn rồi ly hôn đã là bất hạnh lắm nhưng không bằng lần bị đem bán hụt. Vào một ngày cuối tháng 10-2014, đột nhiên Khu nhận cuộc điện thoại từ một số máy lạ của một người đàn ông dân tộc H’Mông, ngọt ngào như rót mật vào tai. Thế rồi như có người xui khiến, Khu cứ thế nghe điện, nhớ lời và nhớ cả hình bóng người đàn ông chưa một lần gặp mặt. Rồi một ngày người ấy hẹn đón để đưa Khu về xem nhà thì Khu lặng lẽ giấu mẹ mà đi. “May là khi lên đến cửa khẩu thì cơ quan chức năng kiểm tra và giữ ở lại chứ không sang bên kia biên giới thì chẳng biết số phận của tôi sẽ như thế nào. Chỉ nghĩ thế thôi đã sợ lắm rồi!”, Lầu Thị Khu nhớ lại.

Cũng được giải cứu trở về, song với Sùng Thị Lia (SN 1999), người dân tộc H’Mông, ở xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông thì nỗi đau “tình ảo” luôn dằng dặc đớn đau. Tin lời người yêu qua điện thoại, nhá nhem tối ngày 14-4-2014, Lia ra đường cách nhà khoảng 200 m để đón người yêu về thăm nhà. Khi Lia đến nơi, người thanh niên ấy đã đứng chờ ở đó và còn nói “nóng lòng muốn gặp” rồi đưa cho Lia một chai nước cũng ngọt ngào như lời người ấy nói. Uống hết chai nước để “thể hiện sự tôn trọng” người yêu được chừng năm phút Lia bắt đầu có biểu hiện choáng váng rồi cứ thế lên xe máy để người yêu chở đi mà không biết đi đâu. Con đường người yêu dẫn Lia đi toàn đường rừng lối nhỏ, chỉ khi đến một con sông có cây cầu lớn anh ta mới dừng xe bờ bên này để đưa Lia sang bên kia cầu. Đón Lia bên này cầu có hai vợ chồng người H’Mông và một người đàn ông Trung Quốc. Vừa thấy Lia, họ liền nói với nhau vài câu bằng tiếng Trung rồi người yêu bảo Lia đi theo ba người về nhà nấu cơm trước, còn anh ta quay lại dắt xe đi mua vài thứ rồi sẽ về sau. Đi theo ba người lạ chừng 30 phút, Lia bắt đầu lo sợ liền hỏi thì vợ chồng người nọ bảo họ đã mua Lia từ người thanh niên kia rồi (người yêu của Lia - PV)!

Đến đất Trung Quốc, Lia bị mua đi bán lại bốn lần, chủ cuối cùng mua Lia là cặp vợ chồng chuyên buôn người. Trong quãng thời gian Lia ở gia đình chủ thứ tư thì vợ chồng này mua thêm hai mẹ con người H’Mông ở tỉnh Lai Châu. Lợi dụng lúc chủ mua sơ hở, người phụ nữ ở Lai Châu đã trốn thoát rồi tìm cách trình báo với công an bên phía Trung Quốc nhờ giải cứu con của mình. Cũng nhờ đó mà Lia được cứu thoát rồi được trao trả về qua cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) để về đoàn tụ với gia đình. Kể lại những tháng ngày chìm nổi bị đày đọa nơi đất khách, Lia cảm thấy “như được sinh ra thêm một lần”.

Tăng cường cảnh báo

Tìm hiểu thực tế hoàn cảnh các phụ nữ là nạn nhân của tội phạm mua bán người ở vùng cao Điện Biên Đông, chúng tôi đã hiểu thêm không riêng đồng bào dân tộc H’Mông mà nhiều phụ nữ các dân tộc khác, như: Thái, Khơ Mú… do hoàn cảnh éo le rất dễ mắc bẫy tình của kẻ buôn người. Lợi dụng hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, cộng với sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nên không ít phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã: Pú Hồng, Phình Giàng, Xa Dung, Pú Nhi… đã bị dụ dỗ, lừa gạt rồi trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Để đấu tranh, triệt phá loại tội phạm này, những năm qua, Công an huyện Điện Biên Đông và các tổ chức đoàn thể ở địa phương tích cực về cơ sở cung cấp thông tin, thủ đoạn của tội phạm đến nhân dân, nhưng xem ra còn nhiều người vẫn chủ quan và cả tin. Riêng hai năm 2016 - 2017, Công an huyện Điện Biên Đông đã triệt phá ba đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới, khởi tố bốn đối tượng đã dùng các thủ đoạn hết sức tinh vi để kết nối, đưa đón nạn nhân sau khi con mồi đã cắn câu. Phương tiện chúng thường sử dụng là taxi, xe ôm để kết nối, đưa đón nạn nhân hòng qua mặt cơ quan chức năng mà người dân cũng không nghi ngờ.

Chính các thủ đoạn này đã gây không ít khó khăn trong quá trình điều tra phá án. Bởi vậy, để ngăn ngừa loại tội phạm này, để tội phạm không có đất sống, Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Công an huyện Điện Biên Đông cho rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là các phụ nữ hoàn cảnh éo le, khó khăn để họ không mắc mưu kẻ chuyên lừa buôn bán người…